Nga tăng cường các thương vụ vũ khí cho Trung Đông
Nga tìm cách mở rộng mối quan hệ công nghiệp quốc phòng ở Trung Đông, tận dụng ảnh hưởng đang gia tăng trong khu vực để bán vũ khí mới và lập các liên minh mới.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: Newsweek |
Các hợp đồng béo bở
Hôm 18-11, hơn 1.200 Cty từ khắp nơi trên thế giới đã xuất hiện tại Triển lãm hàng không Dubai, nơi trưng bày công nghệ hàng không vũ trụ của các quốc gia khác nhau nhằm tìm kiếm các hợp đồng và thỏa thuận sinh lợi. Gần 30 Cty Nga tham gia sự kiện này và Moscow đã đạt được một số thỏa thuận hấp dẫn, đặc biệt là với quốc gia chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hãng thông tấn TASS đưa tin, trong số các thỏa thuận được thảo luận, Nga sẽ cung cấp cho UAE máy bay không người lái gián điệp Orion-E MALE, máy bay trực thăng MiG Mi-38 và máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Sukhoi Su-35. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện ý tưởng mua Su-35 sau khi mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400, một công nghệ phòng thủ tối tân mà Saudi Arabia cũng đang đàm phán để có được sau các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái gần đây mà Ankara cáo buộc Iran đứng sau.
Trong bối cảnh vũ khí của Nga đang được chú ý hơn bao giờ hết, Mỹ cố gắng ngăn cản với lời đe dọa sẽ tiến hành trừng phạt nhưng người mua. Tại Triển lãm hàng không Dubai, Ai Cập quan tâm đến Su-35, một động thái mà Bộ trưởng Hỗ trợ các vấn đề chính trị-quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ R. Clarke Cooper cảnh báo đã đặt quốc gia Bắc Phi đứng trước "nguy cơ bị trừng phạt và mất quyền mua lại trong tương lai”.
Trong khi Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng mua S-400, chỉ có Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì mua hệ thống này, cùng với các thành phần Su-35. Các lệnh trừng phạt được kích hoạt là kết quả của Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ năm 2017 (CAATSA). Tuy nhiên, 2 năm sau khi thông qua luật này, Moscow tiếp tục phát triển các mối quan hệ quốc phòng mới và củng cố các mối quan hệ hiện có. Ngoài các thỏa thuận hàng không vũ trụ gần đây, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Nga cho biết Moscow cũng đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên cung cấp T-90S cho Iraq, một quốc gia Trung Đông có quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ.
Phát biểu tại sự kiện ở Dubai, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Rostec, Sergei Chemezov cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga dự kiến sẽ thu về 13,5 - 13,7 tỷ USD doanh thu xuất khẩu vào cuối năm nay, với khoảng 11 tỷ USD đã được xác nhận. Ông nói rằng, bất chấp CAATSA, Nga đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong xuất khẩu công nghệ quân sự hồi năm ngoái và "năm nay sẽ còn cao hơn nữa”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước bán vũ khí hàng đầu của thế giới. Trong khi Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính Nga đã bán được khoảng 6,4 tỷ USD vũ khí vào năm ngoái, thì Mỹ đã bán được khoảng 10,5 tỷ USD, phần lớn trong số đó là từ các quốc gia ở Trung Đông, một đấu trường mà Moscow ngày càng được coi là một đấu sĩ đầy quyền lực.
Mỹ - Nga giành ảnh hưởng
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt "các cuộc chiến bất tận" của Washington ở Trung Đông và xa hơn nữa, Lầu Năm Góc vẫn duy trì hàng ngàn binh sĩ ở Qatar, Kuwait, Iraq, UAE và Jordan. Ông Trump cũng triển khai thêm quân tới Saudi Arabia để chống lại sự gây hấn từ Iran và mặc dù Tổng thống Mỹ đã rút một số binh sĩ đồn trú ở miền bắc Syria như một phần của chiến dịch do Mỹ đứng đầu chống IS, ông Trump đã gửi thêm lực lượng để duy trì quyền kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông.
Moscow từ lâu đã kêu gọi Lầu Năm Góc rút quân hoàn toàn khỏi Syria, coi sự hiện diện của Mỹ là bất hợp pháp. Trong suốt chiến dịch ở Syria, Nga đã duy trì liên lạc với gần như mọi thành phần, tạo cho họ một lợi thế ngoại giao so với Mỹ. Mỹ rút quân khỏi Syria trong khi đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ huy động lực lượng nổi dậy Syria tấn công Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và được Lầu Năm Góc hỗ trợ. SDF sau đó ký một thỏa thuận với chính phủ Syria. Kể từ đó, các lực lượng Nga đã nắm quyền chỉ huy một số tiền đồn bị bỏ rơi của Mỹ và tìm cách làm trọng tài hòa giải giữa chính phủ Syria, SDF và Thổ Nhĩ Kỳ.
AN BÌNH