Nga và Ukraine sẵn sàng cho cuộc đàm phán hòa bình
Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp nhằm chấm dứt xung đột. Cuộc gặp diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15-5 đánh dấu lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa các phái đoàn Nga và Ukraine và được kỳ vọng sẽ tháo "ngòi nổ" xung đột.
Cuộc gặp diễn ra theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được đưa ra sau khi các lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Ủy ban châu Âu tuyên bố họ mong muốn một lệnh “ngừng bắn đầy đủ và vô điều kiện” kéo dài 30 ngày, cho rằng điều này sẽ “tạo không gian cho ngoại giao”. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU cam kết sẽ tăng cường lệnh trừng phạt Nga nếu Moscow không chấp nhận đề xuất. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ đề xuất, thay vào đó, đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine không cần điều kiện tiên quyết tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5.
Thành phần tham dự
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-5 đã công bố các thành viên của phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán với Ukraine tại Istanbul. Dẫn đầu phái đoàn Nga là ông Vladimir Medinsky, trợ lý theo trường phái cứng rắn của Tổng thống Putin và là cựu Bộ trưởng Văn hóa, từng tham dự đàm phán hồi năm 2022. Phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và lãnh đạo Cơ quan tình báo quân đội Igor Kostyukov. Một nhóm chuyên gia Nga cũng sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các quan chức quân sự, dân sự cấp cao và nhà ngoại giao.
Sau nhiều ngày từ chối xác nhận, Điện Kremlin hôm 14-5 thông báo Tổng thống Putin không tham dự cuộc đàm phán dù Ukraine đề nghị. Ukraine đã bày tỏ thất vọng về thông báo của Điện Kremlin. Mikhail Podoliak, trợ lý của Tổng thống Zelensky, cho rằng ông Medinsky không phải người phù hợp để thảo luận về "các vấn đề cơ bản" trong cuộc đàm phán. Ông nhấn mạnh đây không phải là hình thức đối thoại mà Ukraine mong muốn và Tổng thống Zelensky sẽ không gặp ông Medinsky.
Về phía Ukraine, truyền thông nước này cho biết Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tới Istanbul cùng một số quan chức cấp cao, trong đó có chánh văn phòng Andrey Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andrey Sibiga. Dù vậy, thành phần cụ thể của phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán sẽ được ông Zelensky quyết định khi đến nơi.
Các quan chức Mỹ cũng dự kiến sẽ có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã tuyên bố rằng Ngoại trưởng Marco Rubio và các quan chức khác sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia cuộc đàm phán về Ukraine. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg cũng sẽ đến Istanbul. Sau khi Điện Kremlin công bố thành phần phái đoàn, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng Tổng thống Trump sẽ không tham dự cuộc đàm phán vì Tổng thống Putin không tham gia thương lượng.
Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga
Ngày 14-5, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia "bất kỳ hình thức đàm phán nào" để chấm dứt xung đột với Nga. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: "Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ hình thức đàm phán nào... tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đang chờ xem ai sẽ đến từ phía Nga. Sau đó tôi sẽ quyết định Ukraine nên thực hiện bước đi nào tiếp theo". Đến nay, quan điểm của Nga và Ukraine về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn quá khác biệt, do đó rất khó đoán định chính xác những vấn đề sẽ được đưa ra tại bàn đàm phán.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, mục tiêu của Nga khi đàm phán trực tiếp với Ukraine ở Istanbul là xóa bỏ gốc rễ xung đột và thiết lập một nền hòa bình lâu dài, bền vững. "Nguyên nhân gốc rễ" mà ông đề cập bao gồm những bất bình lâu nay của Nga liên quan đến sự tồn tại của Ukraine, trước đây là một phần của Liên Xô, như một quốc gia có chủ quyền, và sự mở rộng về phía Đông của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Ukraine cho biết, Ukraine muốn thảo luận với Nga chỉ về việc thực hiện lệnh ngừng bắn mà không có điều kiện tiên quyết nào do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.
Triển vọng cuộc hòa đàm
Kênh RT của Nga tối 14-5 đăng bài của nhà phân tích chính trị Vitaly Ryumshin cho rằng tầm quan trọng của các cuộc đàm phán tiềm năng này đã tăng lên nhanh chóng, nhưng liệu điều đó có thực tế không? Câu trả lời là “Không”. Cuộc gặp vào ngày 15-5, nếu thực sự diễn ra, gần như chắc chắn sẽ thất bại vì hai lý do rõ ràng. Thứ nhất, không tồn tại điều kiện để có một cuộc đàm phán hòa bình thực sự. Loạt tối hậu thư qua lại gần đây giữa Kiev, Moscow và Washington không phải là ngoại giao mà đó là một ván bài chính trị đầy toan tính. Thứ hai, tất cả các nỗ lực ngừng bắn trước đây đều thất bại và lần này cũng vậy. Bối cảnh dẫn đến Istanbul rất giống các thất bại trước. Không ai thực sự biết chương trình nghị sự là gì. Không rõ liệu hai bên có cùng quan điểm về nội dung cần thảo luận hay không.
Nói tóm lại, ở kịch bản lạc quan nhất, các phái đoàn từ Moscow và Kiev sẽ đến Istanbul, tổ chức các cuộc họp riêng rẽ với trung gian Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi rời đi với một cam kết mơ hồ rằng “sẽ tiếp tục thảo luận”. Ở kịch bản tệ nhất, họ sẽ không gặp nhau chút nào, chỉ nói chuyện với người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ, rồi rời đi và đổ lỗi cho nhau vì phá hoại tiến trình. Ở kịch bản tốt nhất, cái gọi là “tiến trình hòa bình Ukraine” có thể sẽ tiếp tục được duy trì thêm một thời gian nữa. Ở kịch bản tệ nhất, chúng ta có thể tuyên bố “tiến trình hòa bình Ukraine” đã chính thức “chết” và mọi hy vọng về tiến triển thực chất sẽ bị gác lại vô thời hạn.
AN BÌNH