Ngăn chặn kịp thời lô hàng “đội lốt” sâm Ngọc Linh đưa từ Bắc vào vùng sâm tiêu thụ

Thứ ba, 02/03/2021 15:33

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang phối hợp điều tra, xác minh làm rõ vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh từ các tỉnh phía Bắc đưa vào H. Đăk Tô (Kon Tum) – nơi vùng trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh này.

Lô hàng 14kg củ, lá giống với sâm Ngọc Linh vừa được phát hiện, thu giữ.

Sau thời gian theo dõi, đến 4 giờ ngày 1-3, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Kon Tum) phối hợp với CAH Đăk Tô (Kon Tum) đã phát hiện 3 thùng xốp để ven đường bên ngoài ghi hoa phong lan Đăk Tô. Tuy nhiên, không có địa chỉ người gửi, người nhận. Số hàng trên được gửi xe khách lưu thông từ các tỉnh phía Bắc và được gửi vào H. Đăk Tô.

Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh. Trong số hàng trên, có 2  củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ, còn lại các củ nhỏ (tương đương 3-4 củ/ 1 lạng). Theo một thành viên CAH Đăk Tô chia sẻ: “Việc các đối tượng sử dụng các củ sâm nhỏ là để tư thương lừa người mua khi nói đây là sâm Ngọc Linh do người dân mót được trên rừng nhằm tạo sự tin tưởng cho người mua. Bởi hiện nay, sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên hầu như đã không còn”.

Trong khi đó, theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2 thì qua nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về việc một số tư thương đưa một số loại củ giống sâm Ngọc Linh vào địa bàn H. Đăk Tô để “đội lốt” sâm Ngọc Linh bán ra thị trường. Từ đó, lực lượng chức năng đã mật phục, theo dõi, nắm quy luật hoạt động mới phát hiện vụ việc, tổ chức vây bắt, thu giữ số hàng trên. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ hàng để tẩu thoát.

Qua đánh giá của cơ quan chức năng, địa bàn H. Đăk Tô là nơi “nóng” về tình trạng sâm giả “đội lốt” sâm Ngọc Linh. Các đối tượng thường thu gom các loại củ như: tam thất bắc, điền trúc... rất giống sâm Ngọc Linh từ các tỉnh phía Bắc để đưa vào H. Đăk Tô. Sau vài chiêu rao bán, ngâm rượu, chúng được rao bán như giá sâm Ngọc Linh thật. Thế nên, các loại củ giống sâm Ngọc Linh giá thực tế chỉ vài trăm nghìn đồng/ kg nhưng sau khi “đội lốt” sâm Ngọc Linh, các tư thương rao bán với giá hàng chục triệu đồng. Với lợi nhuận “khủng” như vậy, các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để trà trộn, lừa dối người mua.

Việc làm trái pháp luật trên ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. “Nếu như người rõ về sâm Ngọc Linh thì hiện sâm Ngọc Linh đang bước vào thời kỳ ngủ đông (rụng lá, cây bắt đầu ra lá mới) nên không thể có cây còn lá như loại cây mà lực lượng chức năng vừa thu giữ. Người tiêu dùng khi mua sâm Ngọc Linh cần phải lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc và giấy tờ hợp lệ”, ông Ngụy Đình Phúc khuyến cáo.

 Hiện tại tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20ha), Cty cổ phần Vingin (trồng 200ha) và Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha). Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo” với giá trị dược tính cao cũng như giá thành đắt đỏ, thế nên nhiều đối tượng lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi bất chính. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Được biết, trước đó, vào ngày 3-2-2021, tại khối phố 8, TT Đăk Tô (H. Đăk Tô), Đội QLTT số 2 đã phát hiện 7 thùng rượu với số lượng 112 chai rượu được dán nhãn hiệu “Rượu lá sâm Ngọc Linh”. Địa chỉ sản xuất của lô hàng trên tại số 426/31 đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Mở rộng điều tra vụ việc, đến ngày 5-2, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra cơ sở trên và phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng lực lượng chức năng thu giữ trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Hiện cơ quan chức năng 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

M.T