Ngăn chặn kịp thời nguồn thực phẩm không đảm bảo
(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại cuộc họp nghe báo cáo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tháng 4-2017 trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra chiều 9-5.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra công tác thống kê nguồn cung cấp |
Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về ATTP
Trong tháng 4-2017, Ngành NN&PTNT tiến hành lấy mẫu kiểm tra sản phẩm chả cây của cơ sở sản xuất nem chả của bà N.T.K.B (Q. Hải Châu). Kết quả kiểm nghiệm đã phát hiện hàn the. Cơ quan chức năng lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này với số tiền 35 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong thời gian 3 tháng. Ngoài ra, qua kiểm tra đột xuất 2 cơ sở đóng gói mắm và sản xuất chả khác, cơ quan chức năng cũng phát hiện không đạt nên tiến hành xử phạt số tiền 3,75 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã lấy 15 mẫu thủy sản gửi phân tích các chỉ tiêu ATTP, đã có kết quả 9 mẫu, trong đó có 1 mẫu tồn dư chỉ tiêu kim loại nặng Cadimi. Chi cục Chăn nuôi và thú y tiến hành kiểm tra 4 cơ sở giết mổ động vật và 116 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật nhằm chấn chỉnh công tác vệ sinh thú y, quy trình giết mổ. Qua đó, xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y 30 trường hợp với số tiền hơn 34 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cũng đã tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đợt này, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý về ATTP 224 vụ (doanh nghiệp 146 vụ và hộ kinh doanh 78 vụ) với tổng số tiền hơn 408 triệu đồng. Các cấp ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức thanh tra ATTP đối với 1.244 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống và phát hiện 47 cơ sở vi phạm hoặc không đạt, đã tiến hành xử phạt với tổng số tiền hơn 45 triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 4-2017, Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP) chủ trì phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra phát hiện 2 cơ sở kinh doanh, sơ chế măng tươi có sử dụng chất vàng ô, phạt 46,5 triệu đồng/cơ sở và 1 vụ vận chuyển sản phẩm động vật không có nguồn gốc từ Lào về Đà Nẵng (600 kg sụn gà), phạt 7,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban quản lý các chợ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu test nhanh các chỉ tiêu chất cấm tại các hộ tiểu thương các chợ, đặc biệt nhóm mặt hàng thực phẩm như bún, mỳ, phở, bánh cuốn, bánh đúc, măng, dưa cải, chả bò, chả heo, thịt bò khô... Song song với đó, ngành Y tế cũng lấy 9 mẫu cà-phê, bánh, đồ uống không cồn, chả, nước mắm để xét nghiệm Natri benzoat, Kali sorbat và 9 mẫu đồ uống không cồn, bánh kẹo, nước mắm xét nghiệm chất tạo ngọt. Tuy nhiên, đến nay các mẫu này chưa có kết quả. Bên cạnh đó, UBND Q. Cẩm Lệ cũng lấy 4 mẫu mắm và cà-phê để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, độc tố vi nấm, độ ẩm, hàm lượng cafein. Kết quả, chỉ tiêu vi sinh mẫu mắm, độc tố vi nấm mẫu cà-phê đạt yêu cầu nhưng hàm lượng cafein không đạt...
Cán bộ Chi cục Thú y thành phố lấy mẫu nước tiểu test chất tạo nạc trong heo |
100% tàu thực hiện kê khai nguồn gốc sản phẩm khai thác
Theo ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, các ngành liên quan đã khảo sát và tham mưu UBND TP kế hoạch ký kết hợp tác giữa thành phố với tỉnh Quảng Nam về cung cấp rau, thịt an toàn dự kiến vào đầu tháng 5-2017. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiếp tục bố trí cán bộ trực đêm để theo dõi, phối hợp với Ban quản lý các chợ hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh kê khai nguồn gốc thủy sản nhập vào chợ theo đúng nội dung tại Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Từ ngày 1-4-2017 đến ngày 30-4-2017, đã có gần 1.600 lượt tàu thực hiện kê khai với số lượng khai báo hơn 7.500 tấn (đạt tỷ lệ 100%) và 1.256 lượt ô-tô kê khai với sản lượng khai báo gần 1.340 tấn (đạt tỷ lệ 100%). Lũy kế từ ngày 1-1-2017 đến 30-4-2017, đã có hơn 3.460 lượt tàu thực hiện kê khai với sản lượng khai báo là hơn 16.200 tấn và hơn 3.000 lượt ô-tô kê khai với sản lượng khai báo hơn 3.200 tấn (đạt tỷ lệ 100%).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, công tác đảm bảo ATTP là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân. Chính vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phải tích cực thực hiện một cách xuyên suốt. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các hoạt động trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017 và hoàn thiện Đề án "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố" trên cơ sở góp ý của các ngành để trình UBND TP phê duyệt. Ngoài ra, các đơn vị xây dựng dự thảo Đề án cung cấp thịt an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 và tiếp tục triển khai tốt Quyết định 35/2016/QĐ-UBND tại các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, các sở, ngành phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bao gói sẵn theo quy định của Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Đặc biệt, các đơn vị liên quan thống kê, lập cơ sở dữ liệu các nguồn cung cấp sản phẩm rau, trái cây, thủy sản từ các tỉnh về tiêu thụ tại Đà Nẵng và lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP nhằm kịp thời phối hợp với các địa phương để cảnh báo, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo. Song song với đó, các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn các cơ sở thực hiện xây dựng hồ sơ và tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP để làm cơ sở xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT...
Lê Hùng