Ngăn chặn người tâm thần, “ngáo đá” gây án

Thứ tư, 18/01/2017 10:57

(Cadn.com.vn) - Tình trạng người mắc bệnh tâm thần, người nghiện ma túy đá gây án đang ngày càng nhiều và khiến cộng đồng lo lắng. Cơ quan CA đang quyết liệt triển khai những biện pháp ngăn chặn, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân cần chủ động phòng ngừa khi phát hiện đối tượng đã sử dụng ma túy đá hoặc có những biểu hiện lên cơn tâm thần.

Những vụ án đau lòng

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, phá hoại tài sản... do các đối tượng bị bệnh lý về tâm thần, đối tượng bị ảo giác do sử dụng trái phép chất ma túy gây ra. Càng đáng lo ngại hơn, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, giết người thân, giết nhiều người, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Riêng ở tỉnh Quảng Nam, năm 2014 đã xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà hung thủ là người có tiền sử bệnh tâm thần. Đó là chiều 10-7, sau khi đập phá đồ đạc trong nhà, Lê Quang Lập (1994, trú Đại Đồng, Đại Lộc) đã dùng kìm đánh chết bà ngoại. Nhìn thấy thế, bà T.T.T (1958, mẹ ruột Lập) đạp xe đi báo CA. Thấy bà T. đi, Lập liền lấy xe máy đuổi theo rồi dùng mỏ-lết đánh nhiều cái vào đầu mẹ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Gây án xong, Lập điều khiển xe máy bỏ đi và sau đó bị Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam bắt giữ.

Lên cơn tâm thần, Lê Quang Lập sát hại bà ngoại và mẹ.

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng cũng đã có nhiều vụ việc do đối tượng sử dụng ma túy gây ra gây hoang mang dư luận. Trưa 29-10-2015, sau khi sử dụng ma túy đá, Võ Duy Phước (1990, trú TT Hà Lam, Thăng Bình) đến nhà ông nội chơi. Do bị “ngáo đá” nên Phước xô đổ tủ thờ, tủ đựng gia vị chế biến thức ăn và đem các vật dụng trong nhà gom lại rồi đốt. Cũng bởi bị ảo giác do sử dụng ma túy đá, tháng 7-2016, Nguyễn Văn Sơn (1989, trú Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã gây án. Hôm đó, Sơn đang đi trên đường thì thấy anh N.V.T chạy xe máy phía trước. Không quen biết, không mâu thuẫn nhưng vì ảo giác, Sơn rút dao bấm ra đâm vào lưng anh T. Sau khi gây án, Sơn trốn lên xã Tà Pơ, H. Nam Giang ẩn náu và đến ngày 9-9-2016 thì bị CAH Tiên Phước truy nã về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Ngày 31-10-2016, Sơn bị Phòng CSTNTP CA tỉnh Quảng Nam bắt giữ. Được biết, trước khi gây án, Sơn từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy.

Vụ việc gần đây nhất là ngày 9-1-2017, sau khi lên cơn “ngáo đá”, Phạm Quang Sinh (trú TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc) đập phá đồ đạc trong nhà rồi sang nhà hàng xóm gây rối, đánh người. Khi lực lượng chức năng có mặt, Sinh hung hăng dùng vật dụng tấn công 2 cán bộ CA. Tuy nhiên, Sinh đã bị CAH khống chế, áp giải về trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ảo giác do sử dụng ma túy, Nguyễn Văn Sơn đã gây thương tích cho người khác.

Chủ động phòng ngừa

Các vụ án do người bị bệnh tâm thần và người sử dụng ma túy gây ra đều có điểm chung là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước. Chính vì vậy, cần phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người có biểu hiện, bệnh lý tâm thần, “ngáo đá” gây án. Ngày 30-12-2016, Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có tiền sử bị bệnh lý về tâm thần hay đang có biểu hiện tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất ma túy khác gây ra hiện tượng ảo giác, “ngáo đá”; tiếp tục tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy...

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, người dân cũng cần phải chủ động phòng ngừa. Thực tế cho thấy, những vụ án mạng từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” xảy ra một phần là do người thân trong gia đình đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi đối tượng mất kiểm soát. Gia đình cứ nghĩ rằng khi người bệnh được xuất viện là đã ổn, không nghĩ tới hậu quả khi bệnh tái phát. Còn các đối tượng “ngáo đá” thông thường không có biểu hiện theo cơn như đối tượng sử dụng ma túy khác nên người thân mất cảnh giác.

Chính vì vậy, gia đình, cộng đồng cần luôn cảnh giác, giám sát chặt chẽ mọi biểu hiện của người có tiền sử tâm thần. Nếu thấy dấu hiệu bệnh không thuyên giảm hoặc có những hoạt động mất kiểm soát, đe dọa ANTT cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần điều trị, tuyệt đối không chữa trị theo phương pháp cúng bái. Còn đối với những đối tượng sử dụng ma túy, cần phải nhận biết được dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá” như đồng tử mở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, mắt có quầng thâm... Khi “ngáo đá” có những hành vi mất kiểm soát như nói lảm nhảm, la hét, leo trèo... thì cần trấn an đối tượng, cho đối tượng uống nhiều nước để giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu đối tượng có hành vi hung hãn thì cần phải sơ tán người già, trẻ em khỏi nhà và nhờ hàng xóm, lực lượng chức năng khống chế, kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp “phần ngọn”, về mặt lâu dài, phải giúp người thân cai nghiện và tránh xa với hiểm họa ma túy.

Phương Nam