Ngăn chặn "thực phẩm bẩn" dịp cuối năm
Trước thực trạng này, cùng với Công an các địa phương trên cả nước, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên -Huế đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn.
Mới đây, Hồ Thị Nhiên (1993), trú thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên -Huế) đã nhập số lượng lớn thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ các nước Nga, Ấn Độ nhưng không có hóa đơn chứng từ đưa về trữ tại kho hàng “thịt heo bò xuất nhập khẩu” ở thôn Xuân Lai, xã Lộc An. Số thực phẩm này được Nhiên dùng để bán lẻ cho khách hàng là các cơ sở quán ăn, nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra vào sáng 20-12, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phát hiện tại kho thực phẩm của đối tượng Nhiên lưu trữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, xương cùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò… có dấu hiệu vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, Nhiên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về kinh doanh loại hàng hóa này nên cơ quan Công an đã lập biên bản để xử lý vi phạm.
Trước đó, kiểm tra đột xuất một cửa hàng thực phẩm trên đường Tôn Quang Phiệt, phường An Đông (TP Huế), Công an tỉnh cũng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh hơn 400kg thịt các loại heo, bò, gà… Các sản phẩm được gói sẵn trong các túi ni-lông nhưng không có nhãn mác hàng hóa hoặc có nhãn ghi tên sản phẩm nhưng không có địa chỉ cơ sở sản xuất. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã tiến hành tạm giữ, niêm phong số hàng hóa vi phạm này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để; các địa bàn trọng điểm giáp biên và các cảng biển, các sân bay quốc tế. Các loại thực phẩm này không được kiểm tra chất lượng vệ sinh ATTP, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực phẩm bẩn vẫn xuất hiện trên thị trường là do sự ham rẻ của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho thực phẩm bẩn tồn tại…”.
Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, tàng trữ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an các huyện, thị xã tại tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã ra quân, tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu. Lực lượng Công an các đơn vị còn bố trí các tổ công tác CSGT, Cảnh sát kinh tế kiểm tra xe container, xe ôtô tải vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn là thời kỳ cao điểm tiêu thụ thực phẩm, tình hình vi phạm về VSATTP còn nhiều phức tạp. Các đoàn thanh tra, các đơn vị chuyên ngành không dễ để bao quát được tất cả hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khắp thành phố.Do đó, để bảo đảm không xảy ra những sự cố đáng tiếc, quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn và các khu dân cư. Bởi đây chính là lực lượng nắm địa bàn, lực lượng chức năng cần theo sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện sớm những bất thường trong sản xuất, kinh doanh để đề xuất cấp có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý.
Hầu Tỷ