Ngăn chặn vấn nạn thuốc giả: Cần tăng mức hình phạt để răn đe
Tại Hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?” do Báo Tiền phong phối hợp Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ... Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc để răn đe...
Nhức nhối tình trạng thuốc giả
Tại hội thảo, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền phong thông tin, theo thống kê từ cơ quan chức năng trong năm 2023, Việt Nam đã phát hiện hơn 160 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, xử lý hành chính và truy cứu hình sự nhiều đối tượng. Năm 2024 đã có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có 8 loại bị xác định là thuốc giả.
Đáng chú ý, thuốc giả ngày nay không chỉ là những viên nén nhái bao bì mà ngày càng trở nên tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ in ấn hiện đại, giả mã QR, giả bao bì chống hàng giả, khiến ngay cả người trong ngành cũng khó phân biệt. Trong khi đó, hệ thống giám sát hậu kiểm hiện nay vẫn còn phân tán, năng lực kiểm tra tại cơ sở nhiều nơi còn thiếu… Ngoài ra, lỗ hổng pháp lý cũng là một nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát thuốc giả còn gặp khó khăn. Hiện nay, chế tài đối với hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả dù đã được quy định tại Điều 194, Bộ luật Hình sự, song trên thực tế, việc xử lý hành vi này vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả hoạt động có tổ chức, quy mô và tinh vi nên rất khó nhận diện và phát hiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đặc biệt là thuốc y học cổ truyền, thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Lợi dụng lòng tin của người bệnh, sự nhẹ dạ của người dân, không ít đối tượng đã sử dụng mạng xã hội, người nổi tiếng, thậm chí cả danh xưng của bác sĩ để quảng cáo thuốc giả như “thần dược”. Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam…“Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào dù chỉ là một viên thuốc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thuốc giả không chỉ làm tổn hại sức khỏe mà còn làm giảm uy tín cả ngành y tế. Vì thế, quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt. “Xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc”-Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Cần tăng mức phạt để răn đe
Tại hội thảo, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý (Bộ Y tế) cho biết, các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất chui mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho thuốc giả thâm nhập hệ thống chính thống.
Cũng theo ông Hùng, dù Việt Nam đã có hệ thống quản lý dược tương đối hoàn chỉnh với Luật Dược, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản quy phạm, công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn những lỗ hổng… Các biện pháp xử phạt vi phạm hiện hành đôi khi còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với các trường hợp buôn bán thuốc nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng đề xuất cần tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược cần được siết chặt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội. Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự tỉnh táo và hợp tác của người dân.
B.T- Đ.H