Ngân hàng chia sẻ khó khăn với khách hàng

Thứ bảy, 15/02/2020 15:00

Đứng trước khó khăn của khách hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng nói chung, các doanh nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, ngành Ngân hàng TP Đà Nẵng đã và đang vào cuộc rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Nhân viên SeABank Đà Nẵng đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng để phòng dịch Covid-19 cho mình và cho khách hàng.

Xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đặc biệt là xem xét miễn giảm lãi vay... theo quy định pháp luật hiện hành.

 

Nhiều ngân hàng đã vào cuộc

Ông Trần Ngọc Ân - Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết: “Hiện chúng tôi đang rà soát, đánh giá thật kỹ tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng để trên cơ sở đó có các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trước mắt, đối với các khoản vay mới của khách hàng, chúng tôi áp dụng chính sách giảm lãi suất 1%’’. Tại HDBank Đà Nẵng, Giám đốc Lê Thanh Hải chia sẻ : Ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng và chủ trương của Hội sở HDBank, HDBank Đà Nẵng đã áp dụng miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho các phòng khám, bệnh viện, trung tâm y tế...

Còn theo ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc ABBank Đà Nẵng, ngân hàng này cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá các rủi ro tín dụng để có biện pháp phòng tránh, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng cũng như đảm bảo an toàn tín dụng của ngân hàng. ‘‘Đối với công tác hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của khách hàng, ABBank Đà Nẵng dành ra 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng với nhiều lựa chọn linh hoạt… nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho khách hàng’’, ông Nguyễn Văn Vinh thông tin thêm. Đại diện một số chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn TP cũng cho hay đang chủ động phân tích tình hình, rà soát, đánh giá khó khăn của khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch, qua đó xây dựng kịch bản ứng phó và có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng.

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

Không chỉ tích cực vào cuộc rà soát mức độ thiệt hại và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng còn triển khai các giải pháp phòng chống dịch tới từng nhân viên, khách hàng như sử dụng khẩu trang, phát khẩu trang, cung cấp dung dịch sát khuẩn miễn phí cho người đến giao dịch, phun khử trùng nơi làm việc... Đặc biệt, những ngày này, các ngân hàng khuyến khích khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế đến ngân hàng giao dịch trừ những khi cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan. Bởi theo các chuyên gia, tiền mặt qua tay rất nhiều người, có nguy cơ trở thành nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.

“Lâu nay, ngân hàng vẫn khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay, điều này càng trở nên cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính khách hàng và cộng đồng. Do đó, lãnh đạo SeABank Đà Nẵng đã yêu cầu cán bộ, nhân viên tích cực hướng dẫn, tiếp thị về các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như quẹt thẻ thanh toán qua POS, thanh toán thông qua QR code, hay internet banking, mobile banking... để khách hàng giao dịch mà không cần đến quầy nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh tốt hơn”, ông Nguyễn Nhất Linh, Giám đốc SeABank Đà Nẵng cho biết thêm.

Còn theo ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Sacombank Đà Nẵng, hiện nay, gần như ngân hàng nào cũng đầu tư phát triển các ứng dụng ngân hàng điện tử, tích hợp rất nhiều chức năng từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, tiết kiệm trực tuyến đến đặt vé máy bay, tàu lửa, đặt phòng khách sạn... Khách hàng có thể giao dịch trực tuyến mà không cần đến ngân hàng, trừ những lúc phải nộp tiền mặt. “Giao dịch trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, vừa hạn chế phải tiếp xúc với nhiều người. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì thanh toán không dùng tiền mặt được xem là giải pháp tối ưu để hạn chế lây lan dịch bệnh”, ông Hải nhấn mạnh.

PHÚ NAM