Ngân hàng “phòng thủ” ngoại tệ

Thứ năm, 27/08/2015 08:16

(Cadn.com.vn) - Ngày 26-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ (CNY) ở 6,4043 CNY/USD, giảm 0,09% so với ngày trước đó. Đây là lần phá giá CNY thứ 2 (kể từ ngày 13-8 sau 3 ngày phá giá liên tiếp) khiến CNY giảm -4,6%. Với lần phá giá này, Trung Quốc đã đẩy CNY “rớt” xuống đáy trong vòng 4 năm kể từ tháng 8-2011. Trước đó 1 ngày (25-8), PBOC cũng đã quyết định “bơm” tiền vào thị trường tiền tệ bằng cách giảm lãi suất 0,25%/năm, khiến lãi suất huy động còn 1,75%/năm, lãi suất cho vay còn 4,6%/năm, đồng thời  giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0.5% xuống còn 18%.

Theo ước tính, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp Trung Quốc “bơm” vào hệ thống tài chính khoảng 678 tỷ CNY, tương đương 105,7 tỷ USD. Quyết định này được xem là động thái nới lỏng tiền tệ nhằm cứu nguy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc, chỉ trong vòng 1 tuần, chỉ số chứng khoán Trung Quốc giảm tới 27%, khiến giá trị vốn hóa bốc hơi 4,5 nghìn tỷ USD kể từ giữa tháng 6. Nhiều chuyên gia phân tích, dự đoán tỷ giá giữa CNY và USD có thể lên đến 7 CNY đổi lấy 1USD vào cuối  năm nay.

Trước biến động của CNY, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có cuộc họp khẩn cấp với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) về việc “giữ yên” tỷ giá từ nay đến cuối năm, đồng thời cam kết bán USD để can thiệp thị trường. Thống đốc NHNN cam kết không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm, đồng thời yêu cầu các NH sớm chấm dứt tình trạng găm giữ USD, đáp ứng nhu cầu mua của DN, hạn chế bán các hợp đồng kỳ hạn một năm, đồng thời rút ngắn thời hạn các hợp đồng có kỳ hạn, đề phòng tỷ giá bị đẩy lên về lâu dài.

Việc tỷ giá tăng kịch trần những ngày gần đây đều do ảnh hưởng quá lớn từ CNY bị phá giá, khiến thị trường tiền tệ thế giới biến động không ngừng. Do vậy, các NH đã nhanh chóng họp ban lãnh đạo để đưa ra các phương án về tỷ giá, dự trữ thanh khoản ngoại tệ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết, biến động của tỷ giá VND/USD trước sức ép của tỷ giá CNY/USD khiến các NH rất căng thẳng và lo lắng, nhiều NH đã tăng cường mua ngoại tệ vì sợ tỷ giá tiếp tục tăng. Các NH cho biết, để mua ngoại tệ, nhiều DN vẫn chưa sử dụng đến hợp đồng kỳ hạn (forward), chủ yếu là áp dụng phương thức giao ngay (spot), gây căng thẳng tỷ giá tạm thời.

Về dự báo tỷ giá VND/USD, NHNN đang có trong tay quỹ dự trữ ngoại hối dồi dào và nhiều công cụ để ổn định thị trường ngoại tệ từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, tỷ giá trong thời gian tới sẽ bị chi phối mạnh bởi 2 yếu tố khó lường, đó là sự biến động của CNY và khả năng tăng lãi suất của Mỹ. Nhiều tổ chức nước ngoài nhận định, VND sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm giá từ nay đến cuối năm.

NH Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, từ đầu năm đến nay, VND mất giá khoảng 5% trong khi các nước trong khu vực ASEAN đã phá giá đồng nội tệ trên 10% khiến VND chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng, Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng nhiều công cụ khác để ổn định tỷ giá, trước khi lựa chọn giải pháp phá giá VND thêm một lần nữa vào cuối năm 2015.

Trước đó, HSBC cũng cho rằng, khả năng CNY tiếp tục giảm giá và FED tăng lãi suất sẽ gây áp lực buộc NHNN phải giảm giá VND thêm nữa vào cuối năm nay. “Tuy nhiên, VND sẽ không bị phá giá mạnh từ nay về sau do nợ nước ngoài không cho phép Việt Nam phá giá VND quá nhanh” - HSBC nhận định.

Trước thông tin Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY, thị trường ngoại hối ngày 26-8 không có nhiều biến động, hầu hết các NHTMCP vẫn giữ nguyên mức tỷ giá niêm yết so với ngày hôm trước, tuy nhiên giá bán ra vẫn kịch trần. Ngược lại, trước thông tin Trung Quốc cắt lãi suất, giá vàng SJC ngày 26-8 đột ngột giảm mạnh từ 350 đến 400 nghìn đồng/lượng, mất mốc 35 triệu đồng/lượng và giao dịch ở ngưỡng: 34,40 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,60 triệu đồng/lượng (bán ra).

Văn Khoa