Ngành điện hướng đến mô hình tổ chức chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn

Thứ bảy, 17/12/2016 14:36

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (17-12), Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (28-12-1976 28-12-2016), đánh dấu một chặng đường phát triển vượt trội trong nỗ lực giữ vững vai trò cung ứng điện ổn định, liên tục, với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Nhân dịp này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tấn Cư, Chủ tịch, Giám đốc PC Đà Nẵng.

Ông Ngô Tấn Cư

P.V: Thưa ông, để có một cái nhìn mới của quá trình 40 năm phát triển của PC Đà Nẵng, ông có ý kiến gì?

Ông Ngô Tấn Cư: Sau ngày giải phóng, ngành điện đối diện nhiều khó khăn. Nhà máy điện Đà Nẵng với những cụm máy cũ kỹ, lạc hậu, tiếp quản từ chế độ cũ, chỉ có thể phát điện cho khu vực trung tâm và một số cơ sở quan trọng, điện cho sản xuất hầu như không đáng kể. Sản lượng điện thương phẩm năm đầu sau chiến tranh chỉ hơn 28,6 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng lên đến 17,87%. Mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu phụ tải, chất lượng điện những năm đầu giải phóng luôn trong tình trạng không ổn định. Điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thành phố, tình trạng “đói điện” thường xuyên diễn ra, nhiều khu vực vẫn là vùng “trắng điện”. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt bậc,  sau 10 năm tăng cường phục hồi, tiếp nhận và đầu tư các máy phát điện, nguồn diesel đã tăng lên 65 máy với công suất đặt khoảng 51.225kW. Nhà máy thủy điện Phú Ninh chính thức hòa vào mạng lưới chung đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện tại chỗ. Hệ thống lưới điện từng bước được liên kết mở rộng, lần lượt các đường dây kết nối các nhà máy điện với cụm diesel, phục vụ công nông nghiệp được xây dựng. Lưới điện và phạm vi cấp điện đã vươn đến một số huyện. Ước mơ có điện đã trở thành hiện thực đối với người dân một số vùng nông thôn của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Năm 1985 sản lượng điện thương phẩm đạt 85,85 triệu kWh, tăng 2,99 lần so với năm 1976.

P.V: Ông có thể nói rõ hơn một số “điểm nhấn” quan trọng để ngành điện ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương?

Ông Ngô Tấn Cư: Với ngành điện, bằng quyết tâm cao, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong đường lối đổi mới đã tranh thủ mọi nguồn lực để tăng cường phát triển nguồn lưới điện. Lần lượt các nhà máy thủy điện An Điềm và nhiệt điện Cầu Đỏ đi vào hoạt động. Đến năm 1990, Đà Nẵng đón nhận niềm vui lớn: chính thức nhận điện lưới quốc gia qua trạm 110kV Xuân Hà – Đà Nẵng. Niềm vui càng nhân lên khi đường dây 500kV – công trình lịch sử của đất nước – được ngành điện hoàn thành vào năm 1994. Hệ thống điện Quốc gia Việt Nam từ đây được hình thành trên cơ sở tuyến đường dây huyết mạch 500kV Bắc - Trung - Nam. Tháng 6-1995, trạm 110kV Cầu Đỏ được đưa vào vận hành, Đà Nẵng chính thức nhận điện lưới quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ngành điện thành phố hôm nay.

P.V: Thưa ông, nếu tính từ thời điểm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ngành điện đã tập trung vào những nhiệm vụ nào có tính đột phá?

Ông Ngô Tấn Cư: Từ năm 1997, Điện lực Đà Nẵng sau chia tách đã xác định tập trung mọi nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng, giảm tổn thất điện năng và tập trung hoàn thành chủ trương điện khí hóa nông thôn. Bằng quyết tâm mạnh mẽ, khả năng nhận điện từ lưới quốc gia ngày càng được nâng cao qua các trạm 110kV Quận Ba, Hòa Khánh, Liên Trì, An Đồn, Liên Chiểu; Các dự án SIDA 1, SIDA 2, ADB Hòa Khánh lần lượt triển khai đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu xóa cấp điện áp 6kV, 15kV; đưa điện áp lưới hạ thế từ 0,2kV lên 0,4kV; đưa lưới điện hạ áp vào sâu trong các  kiệt hẻm; xóa bán điện qua công-tơ tổng. Song song với việc đầu tư, nâng cấp lưới điện nội thành, PC Đà Nẵng đã tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn và đưa điện về các xã miền núi H. Hòa Vang. Năm 2003, Tà Lang – Giàn Bí, 2 thôn cuối cùng của H. Hòa Vang đã có điện, hoàn thành mục tiêu 100% thôn xã có điện lưới quốc gia, thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn Đà Nẵng. Đến cuối năm 2013, 11/11 xã thuộc H. Hòa Vang được đánh giá hoàn thành và đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới. Ngày 25.12.2014, sản lượng điện thương phẩm đạt mốc 2 tỷ kWh, và đến năm 2016 ước đạt 2,535 tỷ kWh, gấp 88,5 lần so với 1976. Tỷ lệ tổn thất điện năng ước giảm chỉ còn 3,5%, dẫn đầu các Công ty Điện lực thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Trung và là một trong các đơn vị thực hiện tốt nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

P.V: Nếu có một đánh giá mang tính tổng quan về sự phát triển của ngành điện, ông sẽ nói gì?

Ông Ngô Tấn Cư: 40 năm, thêm một nét son được dánh dấu trên chặng đường hình thành và phát triển của Điện lực Đà Nẵng, đây được xem là bản lề cho sự phát triển bền vững của Công ty. Hàng loạt công trình đầu tư xây dựng nguồn lưới điện được triển khai và đưa vào vận hành như TBA 110kV Hòa Liên, nâng công suất các TBA 110kV An Đồn và Xuân Hà; xây dựng mới các TBA 110kV Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn,... Xây dựng trung tâm điều khiển, trạm biến áp không người trực theo lộ trình lưới điện thông minh. Ứng dụng công nghệ sửa chữa nóng lưới điện; ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc khách hàng qua thiết bị di động, xây dựng văn phòng điện tử, dịch vụ điện lực linh động,... Bắt đầu từ năm 2016, Công ty đang hướng đến những mục tiêu mới với mô hình tổ chức chuyên nghiệp, lực lượng lao động tinh nhuệ. Điều đó sẽ giúp PC Đà Nẵng phát huy những giá trị bền vững của bao thế hệ người thợ điện Đà Nẵng để tiếp tục làm nên những thành công mới.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phương Kiếm
(thực hiện)