Ngành Giáo dục TP Đà Nẵng thi tuyển viên chức năm 2015-2016: Cơ hội hay thử thách với người làm việc lâu năm?

Thứ hai, 20/07/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Ngay từ khi có kế hoạch và thông báo về việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2015-2016, nhiều sinh viên vui mừng vì có thêm cơ hội để thực hiện ước mơ "trồng người" của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều giáo viên đã từng giảng dạy thuộc diện hợp đồng dài hạn trong các trường khi nghe tin này lại tỏ ra lo lắng, thậm chí bức xúc, gửi đơn đến Báo Công an TP Đà Nẵng nêu lên những thắc mắc của mình...

Đơn của một giáo viên (xin được giấu tên) ở Q. Hải Châu, hiện thuộc diện hợp đồng không xác định thời hạn và đang dạy trong một trường trung học cơ sở (THCS) nêu: Theo thông báo của quận, số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng ở các trường THCS là 111 giáo viên. Trong khi đó nhu cầu cần tuyển năm 2015 là 90 giáo viên. Vì vậy, người này đặt ra câu hỏi tại sao UBND quận lại không tổ chức thi sàng lọc cho đối tượng là giáo viên đã có hợp đồng mà lại mở rộng cho những đối tượng khác? Liệu điều này có công bằng cho  những giáo viên hợp đồng bấy lâu nay đã có thành tích đóng góp cho ngành giáo dục và mục đích của cuộc thi này là gì? Cũng trong đơn, giáo viên này còn đặt câu hỏi "những giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế như chúng tôi có được gọi là viên chức, tại sao lại bắt chúng tôi tham gia kỳ thi tuyển viên chức?"...

Thông báo tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của UBND Q. Hải Châu.

Từ nội dung trong đơn, PV đã tìm hiểu và được biết, thực hiện kế hoạch chung của toàn thành phố, UBND Q. Hải Châu cũng như các quận huyện khác đều có kế hoạch thi tuyển viên chức năm 2015-2016 đối với 3 cấp học. UBND Q. Hải Châu đã có Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 22-6-2015 về việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo Q. Hải Châu năm 2015-2016. Ngày 8-7-2015, UBND Q.Hải Châu đã có Thông báo số 291/TB-UBND thông báo về việc tuyển dụng. Theo đó có 4 đối tượng đăng ký cụ thể. Đối tượng 1, các đối tượng hợp đồng là giáo viên đang giảng dạy tại các trường Tiểu học, THCS công lập thuộc UBND Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển. Đối tượng 2, các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (đối tượng tốt nghiệp khác ngành sư phạm thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giảng dạy phổ thông). Đối tượng 3, các đối tượng không có hộ khẩu thường trú tại TP Đà Nẵng thì phải tốt nghiệp Đại học ngành sư phạm loại giỏi hoặc xuất sắc, có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cẩn tuyển. Đối tượng 4 là các vận động viên xuất sắc đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành Thể dục thể thao loại khá, giỏi.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT Q. Hải Châu cho biết: Theo quy định năm nay Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế giảm 30 chỉ tiêu so với trước đây. Trong đó theo chỉ đạo chung yêu cầu giữ lại 5% số lượng dự phòng, vì vậy Q. Hải Châu cũng đã thực hiện theo chỉ đạo chung của thành phố đó là lấy 90/111 người. Trường hợp được nêu trong đơn nói trên, bà Hà cho hay hợp đồng không xác định thời hạn cũng gọi là viên chức. Tuy nhiên, vì họ thuộc hợp đồng trong ngân sách nên muốn vào biên chế buộc họ phải thi cuộc thi tuyển viên chức này. Đây là cơ hội, là điều kiện để những ai thuộc hợp đồng trong ngân sách nhiều năm mà chưa vào biên chế.

Trong trường hợp họ không tham gia thi tuyển thì mất quyền lợi của mình. Việc thi tuyển này là một cuộc cạnh tranh lành mạnh, mang tính nhân văn, tạo cơ hội cho những sinh viên ra trường có điều kiện theo nghề mình yêu thích. Như vậy sẽ bổ sung thêm một nguồn nhân lực chất lượng cho ngành giáo dục. Nói về mục đích và ý nghĩa của việc thi tuyển viên chức bà Hà nói thêm: "Đây là cơ hội cho giáo viên trong hợp đồng được vào biên chế và đó là mong mỏi của tất cả viên chức đang hưởng hợp đồng trong ngân sách. Bản thân là người quản lý chúng tôi muốn rằng các giáo viên của chúng tôi hợp đồng được vào biên chế để ổn định về mặt tâm lý, bởi khi đã ổn định về mặt tâm lý thì họ sẽ tập trung và đầu tư nhiều hơn, có chất lượng hơn cho công tác giảng dạy của mình".

Trang Trần