Ngành hồ tiêu có nguy cơ trả giá đắt

Thứ sáu, 27/05/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - 15 năm qua, nói về xuất khẩu hồ tiêu, Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới. Nhưng có một thực tế đáng lo ngại, việc đua nhau trồng thứ cây “vàng đen” này có thể khiến người dân trả giá đắt.

Nguy cơ “đổ vỡ” trên đỉnh cao thành công

Kết thúc niên vụ 2015, ngành hồ tiêu cả nước nói chung, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói riêng đạt nhiều kết quả khởi sắc. Cùng với lượng xuất khẩu chiếm 58% thị phần toàn cầu với hơn 150 nghìn tấn, tăng hơn 15% so với năm trước thì đây cũng là thời điểm hồ tiêu Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” bởi xuất khẩu đem lại doanh thu hơn 1,2 tỷ USD. Đóng góp vào thành công này phải kể đến khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với sản lượng chiếm 95% số hồ tiêu toàn quốc.

Nhiều nông dân giàu nhanh nhờ trồng hồ tiêu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những năm gần đây nông dân hai khu vực này mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng để trồng hồ tiêu vươn lên làm giàu. Gia đình anh Trần Quang Nghĩa, xã Ia Blang, H. Chư Sê mới trồng tiêu được vài năm, nay đã là tỷ phú. Năm 2014 và 2015, thu nhập từ loại cây này mang lại cho gia đình anh hơn 4 tỷ đồng. Nhà lầu, xe hơi anh đều sắm được. Tương tự, gia đình anh Tiến Tình, thị trấn Chư Sê cũng trở thành một “đại gia” hồ tiêu chỉ sau hơn 10 năm. Bắt đầu trồng loại cây này từ năm 2004, đến nay, anh Tình đã sở hữu tới 25ha cây “vàng đen”, trong đó vụ mùa 2015 anh thu được hơn 60 tấn tiêu (giá hơn 230.000 đồng/kg), tức thu nhập gần 14 tỷ đồng.

Rõ ràng, nông dân trồng hồ tiêu đang ở trên đỉnh cao của sự thành công. Nhưng ngặt một điều, đang lúc đỉnh cao thì cũng là lúc ngành này đối diện với nhiều nguy cơ “đổ vỡ”, mà chuyện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là nguy cơ lớn nhất. Như năm 2014 và 2015, nhiều nhà nhập khẩu gia vị lớn tại Châu Âu, Mỹ, đã gửi cảnh báo đến Việt Nam, yêu cầu siết chặt chất lượng hồ tiêu. Lý do họ đưa ra là phát hiện dư lượng carbendazim trong sản phẩm này vượt ngưỡng cho phép. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt...

Một số dư lượng hóa chất khác như Permethrin (diệt côn trùng), Propamocarb (diệt nấm) cũng được cảnh báo xuất hiện phổ biến trong sản phẩm hồ tiêu nước ta. Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, thị trường Châu Âu giảm mạnh lượng nhập khẩu sản phẩm hồ tiêu của việt Nam, thậm chí một số lô hàng nhập vào thị trường này còn bị trả về, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mọi phí  tổn. Trong đó, Đức là nước giảm mạnh nhất, từ 11.000 tấn năm 2014, xuống còn khoảng gần 6.000 tấn trong năm 2015.

Tình hình ngày càng diễn biến xấu đi, khi những tháng đầu năm 2016, nhiều thị trường quốc tế đều giảm lượng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên khuyến cáo: Đây là những thị trường rất tốt của Việt Nam, nếu họ từ chối tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam thì đấy là thiệt hại rất lớn đối với nông dân cũng như nền kinh tế nông nghiệp của chúng ta. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có chỉ đạo sát sao và chính bà con nông dân là những người thực hiện cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện cho tốt, bởi vì chúng ta biết, đây là sản phẩm đòi hỏi rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

Một nông dân ở Gia Lai bên vườn hồ tiêu đang chết dần. 

Cảnh báo từ bức tranh quy hoạch

Không chỉ đối mặt với nỗi lo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc ồ ạt tăng diện tích trồng hồ tiêu nhưng không quan tâm đến quy trình canh tác dẫn đến bệnh hại tràn lan đang là nguy cơ khiến ngành hồ tiêu “tuột dốc”. Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 28.000 ha hồ tiêu thì năm 2010 đã tăng lên 51.000 ha và tính đến đầu năm 2016, con số đã hơn 85.000 ha (vượt 35.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020). Trong số đó, riêng khu vực Tây Nguyên chiếm tới 50.000 ha, và hầu hết các địa phương đều vượt nhiều diện tích so với quy hoạch, nhất là tỉnh Gia Lai. Quy hoạch trồng hồ tiêu của tỉnh này đến năm 2020 chỉ khoảng 6.000 ha thì nay đã tăng lên: 13.000 ha.

Điều đó cho thấy rõ, bức tranh vỡ quy hoạch đang hiện diện rõ trên bản đồ cây hồ tiêu cả nước. Và nếu nông dân tiếp tục trồng ồ ạt, quy hoạch sẽ tiếp tục “vỡ trận”. Đáng nói hơn, nhiều diện tích hồ tiêu trồng mới trên những vùng không phù hợp về đất đai, nguồn nước, dẫn đến hệ lụy phát sinh dịch bệnh rồi lây lan nhanh qua những diện tích hồ tiêu đang thâm canh. Theo ông Nguyễn Gặp, Trưởng phòng NN&PTNT H. Chư Prông, tỉnh Gia Lai, do giá tiêu tăng mạnh, nên người dân chạy theo về mặt diện tích mà không chú trọng đến việc áp dụng đúng các kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp liên hoàn theo đúng quy trình của cơ quan chuyên môn, dẫn đến tiêu bị chết.

Từ việc đua nhau phát triển cây hồ tiêu, đã có nhiều nông dân phải trả giá đắt. Đang làm ăn khấm khá từ trồng cà-phê, cao su, khi chuyển sang hồ tiêu năm 2013 với 600 trụ, gia đình ông Đinh Gôn, làng Brêp, xã Đăk Jrăng, H. Mang Yang, Gia Lai đã bể nợ bởi hồ tiêu đã chết gần hết. Ông Gôn thừa nhận rằng, thấy nhiều người giàu lên từ hồ tiêu nên đổ tiền của bu theo. Nay mới biết đất của mình không phù hợp để trồng tiêu. Cũng may là ông không chuyển đổi hết toàn bộ cà-phê, bằng không giờ ông Gôn chẳng biết lấy gì mà ăn. Chung bi kịch, anh Đinh Nội, xã Đăk Jrăng, H. Mang Yang bỏ ra cả trăm triệu đồng trồng hồ tiêu, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, chăm sóc không quy trình, anh đã ôm trọn trái đắng do vườn tiêu chết hàng loạt. “Mình còn trẻ nên ham làm giàu, nhưng đã thất bại toàn diện, giờ khó mà trả được nợ cho người ta. Mình nhận ra là không phải ai cũng làm giàu được từ cây hồ tiêu” – anh Nội rầu rỉ.

Tìm giải pháp cho loại cây trồng này, những năm qua Bộ NN&PTNT liên tục cử đoàn đi Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để họp đánh giá tình hình. Mới đây trong chuyến làm việc ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị, việc đầu tiên cần làm ngay là phải kiềm chế lạm phát diện tích cây hồ tiêu. Theo Bộ trưởng, 10 năm qua Bộ nông nghiệp luôn kêu gọi kiềm chế và bây giờ vẫn tiếp tục kêu gọi người nông dân kiềm chế, bởi hồ tiêu là cây trồng lâu năm, nên không thể hướng theo giá 1 năm để trồng. Nếu không kiềm chế, chỉ vài năm nữa sẽ trả giá đắt. Bộ trưởng cũng đề nghị các ngành, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tổ chức đội ngũ nòng cốt tới từng buôn làng, tổ chức tập huấn cho nông dân.

Thực tế 10 năm trở lại đây, do giá tiêu tăng cao nên nông dân đổ xô trồng tiêu để thoát nghèo, làm giàu là điều dễ hiểu. Nếu như năm 2006, giá tiêu chỉ khoảng 1.500-2.000USD/tấn thì nay đã là 7.000-9.000USD/tấn. Mức giá này, so với cây công nghiệp khác như cà-phê, cao su, gấp 5-10 lần. Có điều, người dân cũng nên nhìn nhận rõ, rằng phát triển ngành hồ tiêu vốn chứa đựng rất nhiều rủi ro, từ đó tập trung thực hiện tốt các biện pháp canh tác bền vững để tránh sự đổ vỡ của ngành sản xuất mũi nhọn mà nước ta đã duy trì được vị thế số 1 thế giới qua hơn một thập kỷ rưỡi.

Công Hạnh