Ngành phần mềm đang tạo niềm tin cho kinh tế Đà Nẵng

Thứ tư, 15/09/2021 15:57

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn song xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng vẫn tăng trưởng khoảng 12%. Tín hiệu lạc quan này cho thấy đây là lĩnh vực kinh tế bền vững, tạo kỳ vọng lớn, lại đang được TP đầu tư phát triển mạnh.

Hoạt động sản xuất phần mềm tại fpt software.

Tới tháng 8-2021 doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đạt hơn 18,7 ngàn tỷ đồng (tăng 11%) trong đó riêng xuất khẩu phần mềm đạt hơn 58 triệu USD (tăng 12%). Sản xuất phần mềm của Đà Nẵng đang có sự chuyển dịch lớn sang các sản phẩm hoàn thiện, chất lượng, có giá trị gia tăng cao thay vì gia công. Nhiều dự án lớn về hạ tầng công nghệ thông tin cũng đang được triển khai tại TP, thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc duy trì tăng trưởng khá trong xuất khẩu phần mềm càng cho thấy giá trị bền vững cũng như niềm tin vào lĩnh vực kinh tế đang được TP đầu tư mạnh mẽ này.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch FPT software Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh đã gây ra những khó khăn nhất định, tuy nhiên với giải pháp phù hợp, công ty vẫn tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, duy trì việc làm cho gần 4.000 lao động. Ông Phương nói: FPT có những dịch vụ cung cấp cho khách hàng không được gián đoạn và chỉ ở trụ sở công ty mới có hạ tầng, máy móc, vì thế khi TP thực hiện giãn cách nghiệm ngặt chống dịch, công ty phải đảm bảo sản xuất "ba tại chỗ" cho khoảng 400 người. Hoạt động trong điều kiện như vậy khiến chi phí phát sinh tăng cao, chưa kể dịch vụ bị suy giảm, dù không ngắt quãng. Ngoài ra việc tiếp cận khách hàng mới cũng khó khăn hơn. Năm ngoái Việt Nam chống dịch tốt, đơn hàng đến nhiều, năm nay dịch phức tạp, các đối tác cũng cân nhắc, chuyển sang các thị trường chống dịch tốt, có tính ổn định hơn. Mặc dù khó khăn vậy, song ông Phương cho rằng FPT Software Đà Nẵng đã chứng minh được năng lực vượt qua khó khăn nhờ giải pháp phù hợp.  "Từ năm trước chúng tôi đã tính toán đến những trường hợp dịch diễn biến phức tạp vì thế chủ động đầu tư hạ tầng, mua trang thiết bị để nhân viên có thể làm việc tại nhà mà không bị ảnh hưởng tới năng suất. Chúng tôi cũng thường xuyên giữ liên hệ, chia sẻ thực trạng khó khăn với đối tác, để hai bên cùng tìm giải pháp vượt qua"- ông Phương nói.

Ông Đặng Ngọc Hải- Giám đốc Công ty Axon Active Vietnam - chi nhánh Đà Nẵng, tổng thư ký Hiệp Hội phần mềm Đà Nẵng cho biết, tuy không chịu tác động trực tiếp, song ngành xuất khẩu phần mềm cũng không tránh được ảnh hưởng khó khăn bởi dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn đặt hàng từ nước ngoài do một số công ty đối tác buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nhờ tính chất linh hoạt, sử dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất không tiếp xúc, ngành xuất khẩu phần mềm đã nhanh chóng phục hồi ngay cả khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm hiện tại đã phục hồi lại phần lớn số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài, thậm chí còn có cơ hội phát triển thị trường mới. Nguyên nhân chính các quốc gia trên thế giới đã dần thích ứng với việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và gia công cho các thị trường từ xa. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Công viên phần mềm số 2 hiện đã thi công đạt gần 50% khối lượng hợp đồng.

Cũng theo ông Hải, khi đa số các ngành dịch vụ phải đóng cửa vì dịch bệnh thì sản xuất phần mềm của Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động tốt, đóng góp vào doanh thu và an sinh xã hội của TP. Một phần do đặc thù của ngành, đồng thời do các chính sách đồng hành, hỗ trợ để thay đổi các thủ tục hành chính truyền thống bằng những phương pháp mới và hiệu quả hơn dựa trên ứng dụng và đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn Tuấn Phương thì cho rằng, chính những khó khăn từ dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực. Chẳng hạn dịch bệnh buộc phải áp dụng các mô hình làm việc, học tập, kinh doanh trên môi trường online, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp phần mềm. "Ngành phần mềm không chỉ đóng góp giải pháp hiệu quả chống dịch mà còn hỗ trợ các hoạt động phục hồi kinh tế nhanh hơn nhờ chuyển đổi số"- ông Phương chia sẻ.

Hiện nay sản xuất phần mềm của Đà Nẵng vẫn tập trung chủ yếu ở Khu công viên phần mềm số 1 hay một số doanh nghiệp lớn như FPT. TP đang đầu tư Công viên phần mềm số 2 hơn 800 tỷ đồng, xúc tiến đầu tư Công viên phần mềm số 3 tại Hòa Xuân. Một số dự án lớn về công nghệ thông tin tại Khu Danang IT Park, Khu đổi mới sáng tạo CMC… cũng có hoạt động sản xuất phần mềm quy mô. Triển vọng để phát triển ngành phần mềm, đóng góp cho kinh tế Đà Nẵng rất lớn, rất đáng kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Phương cho rằng, Đà Nẵng cần sớm giải quyết điểm nghẽn về nhân lực. Đào tạo nhân lực phần mềm giỏi về kỹ thuật, ngoại ngữ, giao tiếp ở Đà Nẵng bị tụt hậu so với 2 đầu, nhưng đổi lại TP có môi trường sống tốt hơn. "Đà Nẵng cần có đầu mối thu nhận lao động chất lượng từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giới thiệu cho họ chỗ làm việc, các dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí… Nhiều nhân lực chất lượng muốn tới Đà Nẵng làm việc, đóng góp, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, còn nhiều thắc mắc, nếu được giải đáp kịp thời sẽ thu hút được họ"- ông Phương nói.

HẢI QUỲNH