Ngẫu khúc Trần Trình Lãm

Thứ sáu, 14/07/2023 07:25
Sau 9 năm in tập thơ đầu tiên Hiến tạo (2014), nhà thơ, nhà báo Trần Trình Lãm tiếp tục thai nghén và cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới mang tên Ngẫu khúc (NXB Hội Nhà Văn 2023). Đây cũng được xem là một hành trình tìm kiếm, hiến tạo và thay đổi tư duy tiếp cận để tự làm mới phong cách thơ. Ngẫu khúc cũng là lời đồng vọng, thả vào mặt hồ trong tĩnh lặng và chờ đợi những tiếng sóng nước đồng âm từ bạn đọc.
Bìa tập thơ Ngẫu khúc.
Bìa tập thơ Ngẫu khúc.

Ngẫu khúc với 59 bài thơ, gói gọn nhiều tầng xúc cảm của một tâm hồn thơ đa cảm, giàu lòng nhân ái khi nhìn về cuộc đời. Sự soi chiếu đó, là cách tác giả gói gọn trong hai chữ Ngẫu khúc lấy làm tựa đề tập thơ và gửi lại nỗi trở trăn, cô độc, có cả hạnh phúc trả vay đối với một người cần mẫn góp nhặt buồn vui, lãng tử, hay độc hành như Trần Trình Lãm. Anh đến với thơ và chừng như toàn tâm toàn ý để có được những câu thơ có độ "chín" như hôm nay, là một chặng đường dài. Khi tác giả đã bước ra ngoài mốc tuổi có thể nghĩ, viết với sự thông suốt, tĩnh nhất - lúc mà bản tính con người đã có chốn lặng yên để trở về tự tại. Bỏ ngoài tất cả những hỗn độn, bon chen, tranh giành, vay trả. Và lắng lại để có thể thấm được vị ngọt trên giọt mồ hôi sáng tạo - tách mình ra khỏi thế giới thực tại, tìm một chỗ trú chân, an toàn nhất để có thể hát ca với cuộc đời.

Năm 2014, anh cho ra mắt tập thơ đầu tay với tên đề Hiến tạo. Và 9 năm sau, tập thơ Ngẫu khúc ra đời, tiếp thêm hành trình diệu vợi đến với miền thơ thẳm sâu trong tâm hồn một lãng khách.

Chiều dài chiêm nghiệm và chiều sâu nỗi nhớ trong thơ Trần Trình Lãm không phải là cách chứng minh rằng không gian, thời gian là hữu hạn, mà là cách độc thoại để rút ra cho mình một hướng đến từ phía không cùng của ngôn ngữ. Từ đó, anh có thể nắm chặt ngọn đèn ấy như niềm hy vọng chiếu lại và làm ấm cả một cơ thể trong suốt những ngày tháng. Rồi về thương lấy chính mình, trên đôi tay đã lằn vết thời gian, sự từng trải và cả hạnh phúc đôi lần không kịp nắm lấy, lỡ vô tình đánh mất.

Người sáng tạo là tìm cái mới trong cái đã cũ, đi hướng mới trong cùng một con đường mà nhiều người đã, đang và sẽ dấn thân cùng bước vào đó. Ai cũng bắt đầu với 24 chữ trong Bảng chữ cái tiếng Việt, từ đó để có thể nhào nặn, cất giữ, xé toạc mọi niềm hân hoan gào thét hay giấu kín những nỗi niềm không thể sẻ chia. Điều quan trọng là người sáng tạo phải biết tiết chế cảm xúc, đặt cược chính niềm hân hoan nhất của mình, để có thể, bình lặng viết. Nhà thơ Trần Trình Lãm đã làm được điều mà ai trong mỗi thi nhân thơ đều hướng tới - tự làm người hành khất ngoài đời sống thật. Mọi sự tô vẽ, mọi sự tán dương, đều trả về số không nếu không xuất phát từ một Đời thơ thật. Trần Trình Lãm đã bước qua được lằn ranh ấy và như anh nói, "Tôi ý niệm về đời sống thơ, không phải thơ hay, thơ dở, mà thơ phải ở trong hồn. Tự ngân lên từ hốc sâu nhất của tâm hồn mình".

Trước đây anh viết: Những khuôn mặt lướt qua dè chừng tìm giá cả cuộc chơi sờ mó vào bản ngã - Ta hiến tạo - Những kinh thành tráng lệ phù sanh - Đốm hoa rơi bên cửa giật mình - thu vàng úa rồi kia (Hiến tạo).

Bây giờ anh chiêm nghiệm: Ta không làm thơ cho ta như bữa trước - xin hiến người một lần này những câu thơ có nắng vàng mưa đổ - có môi thơm - ngàn vạn nụ lành (Tâm khúc)

Rồi anh khóc: Năm tháng bôn ba bèo dạt - mây trời - tóc đã rối -lòng đã sờn - vai đã trĩu - tôi tha phương như gã buồn - giữa chợ - mua bán nợ đời -chưa hoàn vốn nhân sinh (Người quê tôi)

Và rồi, văn chương, với anh, là bản nhạc buồn nhất, một đời người: Ngoài kia trăng - trong này ta - hai phía ở gần nhau mà xa lắc - mai cuối tháng - bên trời trăng thức giấc - có tìm nhau quờ quạng - nguyệt vừa tàn. (Ngẫu khúc trăng và ta)

Hay, người thơ lạc lõng giữa bầu trời, trên vạn ngôi sao nhưng lòng thắc thỏm, tự mình ngồi tự vấn, tự đếm rồi tự xóa nhòa nhiều nét vẽ lên khuôn mặt nhân gian. Tự nhiên, nhà thơ giật mình, nói với mình, nhủ với lòng người, rằng: Bầu trời đêm ngàn đốm sao / ai nhặt về tinh tú/ tôi nghe bên tai mình lời rất cũ / thơ trong hồn. (Thơ trong hồn).

Người đọc tìm thấy một văn nhân Trần Trình Lãm vơi đầy kỷ niệm, huyền sinh, và có phần cô độc. Rất nhiều bài thơ trong tập thơ Ngẫu khúc, là lời tác giả đang độc thoại với thiên nhiên, trăng, biển, bóng đêm, sự cô tịch của tâm hồn ngoài song cửa: Đóa phù dung, Tìm nhau mãi đến vô cùng, Khúc đông, Một trời tím lịm lavender, Biển đêm, Thủy chung, Tản khúc đêm Hà Nội, Miền buốt giá…

Với tập thơ Ngẫu khúc, tôi nhận ra rõ hơn một tâm hồn thơ đã bình an thai nghén. Lối của anh chọn, chưa hẳn đã bình yên, chưa hẳn đã là điểm sáng nhất của hành trình sáng tạo, nhưng, đã mở được chiếc chìa khóa thời gian và đặt vào đó nhiều những niềm hy vọng. Người đọc, tinh ý sẽ nhận ra một nguồn năng lượng đẹp từ thơ Trần Trình Lãm. Đó như nhiều lớp sóng non vẫn hồn nhiên trên đại dương xanh thẳm mỗi ngày. Vẫn là đôi chân trần ấy, giẫm lên cát, giẫm lên sỏi đá để chạm được mặt đất và ninh lên ngẫu khúc đời thường.

Nguyễn Thị Anh Đào