Ngày 1-4, cả nước tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5
Chiều 13-3, chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sắp tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng Ban BCĐ Tổng Điều tra dân số và nhà ở Trung Ương (viết tắt BCĐ TW)- yêu cầu: phải làm sao để cuộc Tổng điều tra đảm bảo được sự chính xác, trung thực, khách quan, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo hội nghị trực tuyến. |
Công tác chuẩn bị trước giờ G
Mục tiêu của hội nghị nhằm rà soát lại tất cả công việc đã chuẩn bị trong thời gian qua, công việc sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để sẵn sàng cho cuộc ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở vào ngày 1-4 tới. Thời gian không còn nhiều nên việc rà soát cũng như triển khai các bước tiếp theo phải kỹ càng, chu đáo. Đây là lần thứ 5 cả nước tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở (10 năm tổ chức 1 lần). Thay mặt BCĐ TW, ông Nguyễn Bích Lâm- Phó Trưởng ban BCĐ TW, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê báo cáo một số tình hình liên quan đến công tác triển khai chuẩn bị thời gian qua, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu: công tác chuẩn bị nghiệp vụ và hạ tầng CNTT; công tác tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ và sử dụng CNTT cho điều tra thống kê, tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp. Công tác tuyên truyền cũng như sự vào cuộc của 3 Bộ thực hiện Tổng điều tra theo kế hoạch riêng gồm: Bộ CA, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao. Tham gia cuộc Tổng điều tra lần này có khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, 110.000 nghìn điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bản G kê hộ). Ngoài ra, lực lượng tham gia tập huấn nghiệp vụ bao gồm các thành viên BCĐ và Văn phòng BCĐ cấp. BCĐ TW đã hoàn thiện 2 loại phiếu hỏi Tổng điều tra gồm: 22 câu đối với Phiếu điều tra toàn bộ và 65 câu hỏi với Phiếu điều tra mẫu. Toàn bộ tài liệu hướng dẫn về Tổng điều tra lần này đã gửi về các địa phương trước ngày 20-1-2019. Công tác thiết lập mạng lưới điều tra về Bảng kê hộ đã hoàn thành ngày 20-1-2019. Theo đó, có tổng số 217.586 địa bàn điều tra (gồm 196.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù) với 26,2 triệu hộ dân cư và hơn 94 triệu người (chưa tính những người đang làm việc trong ngành CA, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân đi cùng) được lập bảng kê. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số hộ và số người được lập bảng kê với 2,5 triệu hộ và 8, 9 triệu người. Tiếp đến là Hà Nội: 2,2 triệu hộ và 9 triệu người. Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên internet là 68.990 hộ, chiếm 0, 26%. Đà Nẵng là một trong 3 tỉnh, thành phố có số lượng hộ tham gia đăng ký cung cấp thông tin trên internet nhiều nhất cả nước. Tổng kinh phí để thực hiện Tổng điều tra quy mô lớn này là 1.100 tỷ đồng.
Khác với Tổng điều tra lần thứ 4 của 10 năm trước, cuộc Tổng điều tra lần này sử dụng triệt để việc ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu, sử dụng 2 thu thập thông tin chính: phỏng vấn trực tiếp và ghi thông tin vào phiếu điện tử trên thiết bị thông minh. Các hộ có thể tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng điều tra. Việc áp dụng CNTT giúp quá trình điều tra trở nên thuận tiện hơn.
Điểm đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: P.T |
Quán triệt tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra
Trên cơ sở lắng nghe đại diện một số địa phương, các Bộ: Thông Tin &Truyền thông, Ngoại giao, CA, Quốc phòng, Y-tế, LĐTB&XH báo cáo một số tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra sắp đến, phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quán triệt mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra này. Đây là cuộc Tổng điều tra vô cùng quan trọng, được chuẩn bị kỹ gần 2 năm nay, có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế. Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được BCĐ các cấp, từ TW đến các địa phương thực hiện tích cực, chu đáo. Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ trương của tỉnh Hà Giang không sử dụng phiếu giấy trong quá trình Tổng điều tra, yêu cầu các tỉnh thành khác cần nghiên cứu vấn đề này. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, tuy việc sử dụng CNTT có ưu điểm lớn, rất tiện dụng, nhưng tính rủi ro về hệ thống cũng rất cao. Vì thế BCĐ các cấp phải hết sức lưu tâm, không được chủ quan. Chỉ cần xảy ra một trục trặc kỹ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổng hợp, lưu trữ, chuyển số liệu của cuộc Tổng điều tra...
Để việc ra quân Tổng điều tra thuận lợi, suôn sẻ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị BCĐ từ TW đến địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt từ đây đến trước ngày 1-4. Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động sao cho đạt hiệu quả cao nhất, để toàn hệ thống chính trị, xã hội và nhân dân từ TW đến địa phương đều cùng vào cuộc. Công tác đảm bảo an toàn cho cuộc Tổng điều tra, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và những nơi có những rủi ro, bất ổn về ANTT cũng được Phó Thủ tướng lưu tâm. Cũng theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện 10 nội dung của đợt Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này không chỉ đơn thuần chỉ tiêu về mặt số lượng, mà quan trọng là phải phân tích, đánh giá được về mặt chất lượng. Sản phẩm cuối cùng chính là báo cáo phân tích chuyên đề kèm theo hệ thống bảng số liệu để cung cấp cho chính quyền địa phương các cấp cũng như TW trong xây dựng hoàn chỉnh các chính sách, chiến lược phát triển KT-XH. Phó Thủ tướng hy vọng, tất cả phải được thực hiện sao cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở chính xác, trung thực, khách quan, đảm bảo yêu cầu an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng cao. Ngày 25-4 kết thúc Tổng điều tra và ngày 26-4, các tỉnh, thành phải có báo cáo nhanh về kết quả tổng điều tra gửi về BCĐ TW.
P.THỦY (ghi)