Ngày 5-3: Sẽ báo cáo người dân kết quả giải quyết vấn đề nhà máy thép Dana Ý-Dana Úc
Tiếp tục cuộc họp của UBND TP Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chủ trì với người dân thôn Vân Dương 1 và 2, xã Hòa Liên (H. Hòa Vang) về vấn đề ô nhiễm môi trường ở nhà máy thép Dana Ý- Dana Úc, 14 giờ chiều ngày 28-2, cuộc đối thoại với người dân được tiếp tục, cùng với sự tham gia của các ban ngành chức năng TP Đà Nẵng, lãnh đạo H. Hòa Vang. Về phía các nhà máy có ông Huỳnh Văn Tân- Tổng Giám đốc Công ty thép Dana Ý, bà Nguyễn Thị Xuân-Tổng Giám đốc Công ty thép Dana Úc...
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh thông báo sẽ có báo cáo trả lời người dân về vấn đề nhà máy thép vào ngày 5-3-2018. |
Tại cuộc họp này, có sự tham gia đầy đủ của người dân 2 thôn Vân Dương 1 và 2, người dân tiếp tục nêu ý kiến. Ông Phan Nhạn, trú thôn Vân Dương 1 nêu: "Người dân không thống nhất đến định cư ở khu tái định Hòa Liên 6, lý do khu tái định cư này vẫn bị ảnh hưởng ô nhiễm từ 2 nhà máy thép...". Ông Ngô Chấn, trú thôn Vân Dương 2 nêu nguyên nhân người dân phản đối nhà máy thép: "Ngay từ ngày 13 và 14-11-2016, khi nhà máy thép xả thải ra môi trường, bà con phản đối, chứ thực ra 10 năm qua, người dân hiểu rõ, nhà máy hoạt động có giấy phép, hoạt động hợp pháp, đúng quy định pháp luật, nhưng vấn đề gây ô nhiễm làm người dân không chịu nổi...! Nhà máy vẫn còn ở vị trí hiện tại thì vấn đề mâu thuẫn giữa người dân và nhà máy vẫn còn diễn ra... Vậy thì nên di dời nhà máy thép, hay di dời dân, chính quyền thành phố lựa chọn giải pháp nào...?". Ông Nguyễn Ngôn, trú thôn Vân Dương 2 bộc bạch: "Chúng tôi hiểu rõ lợi ích của nhà máy thép, đã tạo công ăn việc làm cho con em chúng tôi, bằng chứng là có tới 60% công nhân nhà máy là con em địa phương. Nhưng không phải vì vậy mà người dân phải sống chung với ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, nó sẽ ảnh hưởng lâu dài cho các thế hệ con cháu của người dân, từ vấn đề sức khỏe đến vấn đề canh tác sản xuất, phục vụ đời sống hàng ngày...". Ông Phạm Mại, trú thôn Vân Dương 2 cũng phân trần: "Những ngày qua, người dân đã có 2 ngày, 2 đêm đóng trại để phản đối nhà máy thép, thực tình người dân không muốn vậy vì hiểu, nhà máy có giấy phép hoạt động, nhưng vì quá bức xúc mới hành động như vậy. Chúng tôi đã sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này, chúng tôi muốn tiếp tục sinh sống tại nơi đây, vì nơi đây đã gắn bó với chúng tôi...".
Ông Huỳnh Văn Tân- Tổng giám đốc nhà máy thép Dana Ý cũng có ý kiến với người dân: "Mặc dù nhà máy đã có nhiều cố gắng, khắc phục hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng có lẽ bà con nhân dân đã đánh giá khách quan hơn. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động, sẽ vướng mắc rất nhiều vấn đề. Thành phố đã đề nghị chúng tôi tạm ứng kinh phí giải tỏa, đền bù, di dời dân, chúng tôi luôn sẵn sàng chấp nhận, nhưng chưa hiểu sao vấn đề này chưa tiến hành...!?". Ông Tân cũng cho các phóng viên biết: "Doanh nghiệp có đủ năng lực để tạm ứng cho thành phố 300 tỷ đồng, dùng cho việc giải tỏa, di dời dân, nhưng nghe đâu chưa bố trí được mặt bằng tái định cư...?!.
Người dân tiếp tục nêu ý kiến về vấn đề nhà máy thép, tại cuộc họp giữa UBND TP và thôn Vân Dương 1, 2 |
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Minh nêu ý kiến: "Vấn đề lịch sử nhà máy thép, bà con đều đã rõ... Thành phố đã đặt ra phương án di dời nhà máy thép, nhưng chưa tìm được vị trí. Nếu chuyển lên Khu Công nghiệp Hòa Nhơn, phải đến năm 2020 mới có thể thực hiện được. Vấn đề di dời dân, phải đối mặt với áp lực tái định cư... phải làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi khu dân cư phải cách 2 nhà máy hơn 500m. Chính vì vậy, cả hai phương án đều chưa chọn được phương án tối ưu...". Ông Hồ Kỳ Minh yêu cầu các ban ngành chức năng, H. Hòa Vang tổng hợp các ý kiến của người dân, để báo cáo với Thường vụ Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng xem xét, và sẽ có báo cáo với người dân vào ngày 5-3-2018.
Hồng Thanh