Ngày ấy ở Vị Xuyên

Thứ sáu, 15/02/2019 14:15

Đại tá Lê Văn Chỉ, 63 tuổi, ở P. Hòa Thuận Tây (Hải Châu, Đà Nẵng) có nhiều năm chiến đấu, công tác trên biên giới phía Bắc. Đơn vị ông làm nhiệm vụ phòng thủ tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm trước.

Đại tá, CCB Lê Văn Chỉ.

Giai đoạn 1979-1985, ông Chỉ công tác tại Trung đoàn 153 (Sư đoàn 356) với cương vị Trợ lý Cán bộ-Chính sách. Trung đoàn 153 nằm trong đội hình Sư đoàn đảm nhiệm bảo vệ tuyến biên giới Thanh Thủy trên Mặt trận Vị Xuyên - nơi đối phương liên tục tấn công với dã tâm xâm chiếm địa bàn chiến lược quan trọng này. “Vị Xuyên có nhiều điểm cao như 1509, 468, 600, 772, nếu địch chiếm được khu vực này, chúng sẽ khống chế cả một vùng rộng lớn xung quanh”, ông Chỉ nhớ lại. Trung đoàn 153 cùng với các đơn vị phối thuộc bố trí phòng ngự nhiều tầng, pháo binh canh sẵn phần tử để ngăn chặn chính xác các đường tiến quân của địch. Pháo cối của ta bố trí theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” nhằm tạo thành lưới lửa ngăn chặn quân xâm lược. Mặc dù lực lượng đối phương đông hơn nhiều và đánh vào Vị Xuyên theo đội hình “đầu nhọn đuôi dài”, nhưng đều bị quân ta ngăn chặn. Có ngày, địch tổ chức hàng chục đợt tấn công và đợt nào cũng bị ta bẻ gãy. Dẫu mưa bom bão đạn, cực kỳ ác liệt, nhưng bộ đội vẫn kiên cường chiến đấu, giữ vững trận địa. Hồi đó, Vị Xuyên đã trở thành điểm sáng của ý chí kiên cường và quyết tâm bảo vệ đất nước. Mỗi lần giặc tràn sang lại bị chặn đứng trước tiền duyên của ta.           

Cựu chiến binh Lê Văn Chỉ vừa được chọn đi dự Hội nghị Gặp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tại Hà Nội ngày 23-1-2019. 

Ông Chỉ hào hứng đọc mấy câu thơ mà ông không nhớ của ai sáng tác hồi ấy, nói về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: “Quân ta thì ít/ Quân địch thì đông/ Nó hô xung phong/ Nghe như dịch tả/ Quân ta đánh trả/ Giữ từng góc hào/ Chúng lên đợt nào/ Thí quân đợt ấy/ Quân ta trông thấy/ Càng đánh càng hăng…”.

Nhớ lại một thời khốc liệt trên tuyến biên giới Vị Xuyên, ông Chỉ trầm giọng kể tiếp về những ngày tháng làm công tác giao nhận tử sĩ ở mặt trận này năm xưa: “Hồi ấy, khu vực biên giới Vị Xuyên ngày nào cũng có bộ đội hy sinh, có ngày hy sinh hàng chục đồng chí! Tử sĩ trên Mặt trận Vị Xuyên được lực lượng vận tải của các đơn vị chuyển về hang Làng Lò”. Ông Chỉ được phân công thường trực tại hang Làng Lò để tiếp nhận và bàn giao tử sĩ lại cho đơn vị vận tải của cấp trên. Đơn vị này vận chuyển hai chiều: Mang vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm ra tiền tuyến và chuyển thương binh, tử sĩ từ tiền tuyến về sau. Đoạn đường từ hang Làng Lò về Làng Binh khoảng 6km phải khiêng bộ. Còn từ Làng Binh về km số 2 và km 17 trên Quốc lộ 2 (nối Hà Giang-Tuyên Quang) được vận chuyển bằng ô tô. Đến km số 2 và km 17, bộ phận chuyên môn thực hiện các nghi lễ truy điệu và mai táng liệt sĩ. Mỗi lần tiếp nhận tử sĩ, ngoài việc ghi vào giấy tờ, sổ sách, ông Chỉ còn dùng một mẫu giấy trắng ghi họ tên, đơn vị, ngày hy sinh, bỏ vào bọc nilon, bấm vào ngực áo hoặc cạp quần của từng tử sĩ để bàn giao cho đơn vị vận tải. Tại hang Làng Lò, Trạm phẫu của Trung đoàn 153 đảm nhiệm khâm liệm tử sĩ và ông Chỉ thường xuyên túc trực bên linh cữu đồng đội. 

Trải bao năm tháng, ông Chỉ vẫn còn nhớ như in một thời công tác, chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, nhất là việc tiếp nhận, bảo quản, bàn giao những đồng đội đã hy sinh để gìn giữ giang sơn xã tắc. Mới đây, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7-2018, ông Chỉ cùng một số CCB tự nguyện đóng góp kinh phí, tổ chức đi viếng mộ đồng đội trên biên giới phía Bắc. Ai cũng nghẹn ngào trước hàng ngàn phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (cạnh km 17 Quốc lộ 2). Một số ít đã được gia đình cất bốc đưa về quê hương.

LÊ VĂN THƠM