Ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Thứ sáu, 17/07/2020 11:08

Dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm công nghệ cao, nhưng thời gian qua, vẫn có nhiều nạn nhân bị sập bẫy của các đối tượng này. Điều đáng nói, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao này ngày một tinh vi, hoạt động xuyên quốc gia nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng.

Các đối tượng lừa đảo Mai Thế Dũng; Đinh Văn Thái sau khi bị cơ quan CA bắt giữ.

Những cái “bẫy” tinh vi

Theo thống kê của Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 5 tin báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 5 tỷ đồng thông qua việc sử dụng công nghệ cao. Đa phần các đối tượng lừa đảo vẫn đánh vào tâm lý hám lợi, mất cảnh giác của nạn nhân dù những phương thức, thủ đoạn lừa đảo đó đã được cơ quan chức năng cảnh báo.

Đơn cử, vào tháng 3-2020, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam đối tượng Mai Thế Dũng (1987, trú P. Thống Nhất, TP Kon Tum, Kon Tum) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo kết quả điều tra, dù là đối tượng “ất ơ” nhưng qua tìm hiểu, Dũng biết anh N.C.T (trú P. Yên Đỗ, TP Pleiku, Gia Lai) có người thân là bị can đang bị tạm giam trong một vụ án “Giết người”. Dũng giả danh là bị can đang bị tạm giam nhưng được cán bộ điều tra cho gọi điện báo cho anh T. lo “chạy án” cho người nhà. Qua trao đổi và tưởng thật nên anh T. đã đồng ý chuyển cho Dũng 95 triệu đồng. Về phần anh T., sau khi xác minh và gọi điện nhiều lần cho Dũng thì không liên lạc được, biết đã bị đối tượng xấu lừa đảo, anh T. đến cơ quan Công an trình báo. Qua điều tra, truy xét, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai đã bắt giữ Mai Thế Dũng khi y đang lẩn trốn tại Phú Yên.

Tương tự, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị các đối tượng tự xưng là cán bộ tại VKS, cơ quan Công an… để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Như trường hợp ông T.V.D (trú P. Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là cán bộ của CQĐT CATP Hà Nội đang điều tra về 1 đường dây rửa tiền, trong đó xác định tài khoản ngân hàng của ông D. có liên quan đến đường dây này. Chúng yêu cầu ông D. chuyển tiền từ tài khoản của ông vào một tài khoản của cơ quan chức năng để “tạm giữ” nhằm xác minh, làm rõ, nếu không liên quan sẽ trả lại số tiền trên. Bằng nhiều cuộc gọi điện mà đối tượng đã “sắp xếp” cũng như chúng làm giả quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với ông D. và gửi qua mạng xã hội cho ông D. xem. Trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vừa đánh vào tâm lý vừa sử dụng các loại giấy tờ giả, ông D. đã lo sợ và chuyển 3,45 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng…

Thông báo nêu cao cảnh giác của Phòng GD&ĐT TP Pleiku với thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.

Cần bảo mật tốt thông tin cá nhân

Giữa tháng 6-2020, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai đã bắt giữ đối tượng Đinh Văn Thái (1992, trú xã Kỳ Thượng, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, vào khoảng tháng 5-2019, Thái truy cập vào các website của các đơn vị trường học trên địa bàn Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Sơn La… để thu thập thông tin, số ĐTDĐ của các giáo viên được đăng tải trên website. Với những thông tin cá nhân mà các đơn vị này để lộ trên website, đối tượng sử dụng các sim “rác” rồi gọi điện cho các giáo viên, tự xưng là Thanh tra Sở GD&ĐT đang thực hiện công tác thanh tra về quá trình tuyển dụng, thu nhập của giáo viên.

Do đối tượng “đọc vị” được thông tin cá nhân nên giáo viên tưởng đang bị thanh tra thật nên răm rắp làm theo yêu cầu của đối tượng, như: cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng: số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, thậm chí cả mã OTP (mật khẩu giao dịch ngân hàng trực tuyến) để… phục vụ công tác thanh tra. Từ đó, đối tượng dễ dàng chuyển tiền của nạn nhân trong tài khoản sang các tài khoản khác để chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn này, nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” với số tiền hàng trăm triệu đồng. Qua điều tra, cơ quan CA xác định, số tiền Thái chiếm đoạt của các giáo viên, đối tượng chuyển vào các tài khoản ngân hàng được đăng ký bởi CMND giả rồi dùng để nạp vào các tài khoản đánh bạc trên mạng Internet.

Thượng tá Trần Trọng Sơn- Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Các đối tượng này đều sử dụng các tài khoản ngân hàng được mở bằng CMND giả mạo hoặc mua lại tài khoản ngân hàng của người khác khiến việc xác minh chủ sở hữu thực sự của tài sản khó khăn. Một số ngân hàng quản lý lỏng lẻo, chạy theo chỉ tiêu trong việc mở tài khoản cũng là một điểm để các đối tượng xấu lợi dụng. Chưa kể, một số nhóm đối tượng lừa đảo công nghệ cao móc nối với các nhóm đối tượng ở nước ngoài gây khó khăn cho việc điều tra, truy bắt”.

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai khuyến cáo, người dân cần bảo mật tốt thông tin cá nhân của mình, đặc biệt không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking, mã OTP cho người khác, thậm chí cả khi đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng. Đồng thời, không đăng nhập vào các website hoặc liên kết khác giả mạo website chuyển, nhận tiền mà các đối tượng gửi đến. Bên cạnh đó, khi có người gọi điện xưng là điều tra viên, kiểm sát viên làm việc qua ĐTDĐ thì cần xác minh cụ thể từ cơ quan chức năng gần nhất.

MINH TÂN