Ngày CNTT Nhật Bản 2019: Cơ hội lớn cho ngành CNTT Đà Nẵng
Một bức tranh toàn cảnh về hợp tác công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - Nhật Bản đã được đề cập trong Ngày CNTT Nhật Bản 2019 diễn ra tại Đà Nẵng hôm 22-10. Sự kiện thu hút 300 doanh nghiệp Việt -Nhật cùng nhiều chuyên gia, quan khách quốc tế.
Ký kết hợp tác về CNTT giữa doanh nghiệp Việt - Nhật. |
Vì sao là Nhật Bản?
Một điều khá đặc biệt, tuy Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT, song đối tác lớn thứ 2 của họ trong lĩnh vực này lại là Việt Nam. Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban hợp tác CNTT Việt Nam- Nhật Bản nói, nhu cầu nhân lực CNTT từ Nhật lớn và Việt Nam lại là nước có thể đáp ứng tốt nhu cầu này. Ở Nhật, người ta nói nhiều đến nguy cơ 2025, thời điểm mà hơn 60% doanh nghiệp đã hoạt động trên 21 năm, sẽ thiếu khoảng 40 vạn kỹ sư, thiệt hại do sự già nua của hệ thống mang lại khoảng 12 ngàn tỷ yên. Trong khi đó, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam dồi dào, khả năng tiếp thu công nghệ nhanh, được sự truyền thụ nhiệt tình của DN Nhật, điều này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa 2 quốc gia. Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho biết, hợp tác có 2 hướng, trước đây doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh vào Việt Nam, giờ thì ngược lại. Theo khảo sát thường niên do Jetro thực hiện, 70% các Cty Nhật hoạt động tại Việt Nam cho biết muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là một tỷ lệ rất cao, chứng tỏ kết quả kinh doanh ở Việt Nam rất tốt. Năm 2018 có 248 Cty Nhật đầu tư vào Việt Nam, chiếm 8% tổng số đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Ngược lại, cũng trong năm này, có 66 dự án từ Việt Nam đầu tư sang Nhật, phần lớn thuộc lĩnh vực CNTT. Ông Nakajima cho rằng, hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên hiện nay chủ yếu theo hướng nghiên cứu kỹ thuật mới, sản phẩm mới thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ mới.
Các nghiên cứu từ thực tế chỉ ra rằng, hợp tác nhân lực CNTT vẫn là cốt lõi giữa doanh nghiệp 2 nước. Bà Junko Kawauchi- Phó chủ tịch Ban hợp tác quốc tế thuộc JISA cho biết, thị trường CNTT Nhật Bản khoảng 460 tỷ USD, trong đó phần mềm chiếm khoảng 130 tỷ USD. Vào tháng 6-2019, dự báo nhu cầu dự án về công nghệ mới của CMCN 4.0 của Nhật tăng khoảng 31% trong khi nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn. Hiện Nhật Bản thiếu khoảng 781 ngàn kỹ sư CNTT. Trên 80% doanh nghiệp Nhật sẵn sàng nhận người nước ngoài vào làm việc và 95% các Cty Nhật quan tâm, sẵn sàng nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, bà Kawauchi cũng nhấn mạnh, 80% Cty Nhật yêu cầu các kỹ sư cần có năng lực tiếng Nhật N2 và N1. Đây là thách thức lớn với kỹ sư Việt Nam và là rào cản lớn nhất trong hợp tác CNTT Việt - Nhật.
Khu CNTT tập trung Đà Nẵng tạo cơ hội lớn cho nhà đầu tư tới từ Nhật. |
Trọng tâm chuyển đổi số
Chủ đề chính của Ngày CNTT Nhật Bản 2019 là thúc đẩy chuyển đổi số để hòa vào CMCN 4.0. Chuyển đổi số sẽ giúp giảm chi phí, tích lũy tài nguyên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Hoàng Nam Tiến, Tổng giám đốc Cty phần mềm FPT nói, năng suất lao động trung bình của người Việt bằng 1/18 người Singapore, 1/16 người Malaysia, 1/3 người Thái Lan. Dù tự hào lao động Việt cần cù, chịu khó nhưng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp, xã hội vẫn hạn chế. Nhiều qui trình nghiệp vụ còn thủ công, giao thông ùn tắc dẫn đến thời gian di chuyển kéo dài, nguồn lực chưa được tối ưu hóa. Theo ông Tiến, chỉ có một giải pháp duy nhất để thay đổi cục diện này là chuyển đổi số. Chính phủ đã dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu vào top 4 ASEAN trong 5 năm tới.
Ông Tiến nói rằng FPT cam kết giúp doanh nghiệp tiết kiệm 30-50% thời gian chuyển đổi số. Hiện, đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp nền tảng giúp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Chẳng hạn như giao thông, FPT kết hợp với Grab triển khai hệ thống giám sát tín hiệu giao thông để giảm ùn tắc ở các đô thị lớn. Hoặc FPT nghiên cứu giải pháp công nghệ tích hợp nhiều ứng dụng cho các nhà máy để tăng năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt, ông Tiến nói, để cải thiện năng suất, giải pháp hiệu quả nhất là tự động hóa qui trình. Tức là sử dụng robot cho các qui trình hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực từ sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, vận tải... “Chúng tôi triển khai robot này cho một ngân hàng quốc gia có hơn 27 ngàn nhân viên, hơn 500 chi nhánh ở 38 quốc gia. Trước kia khách hàng phải tự thực hiện bằng tay hơn 1.000 giao dịch mỗi ngày như chuyển tiền, mở tài khoản... Đây là việc làm có năng suất thấp vì làm thủ công, dễ xảy ra sai sót, tốn thời gian. Khi có robot akaBot rút ngắn 80% thời gian xử lý, giảm 50% sai sót”- ông Tiến kể.
Cũng theo ông Tiến, tất cả các giải pháp đều phải bắt đầu từ quá trình chuyển đổi số. Đã 3 cuộc cách mạng đến Việt Nam không tham gia, cuộc CMCN thứ 4 là cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể giam gia, đuổi kịp thế giới, chúng ta không thể để lỡ chuyến tàu này.
Trong CMCN 4.0 hiện nay, 3 mảng công nghệ mới tiềm năng nhất cho hợp tác Việt - Nhật là Big Data, Chuyển đổi số, AR/VR (thực tế ảo). Ngày CNTT Nhật Bản 2019 không chỉ mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước trong 3 lĩnh vực trên mà còn tạo cơ hội thu hút đầu tư cho Đà Nẵng, trung tâm CNTT của miền Trung. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng hiện có 3.800 doanh nghiệp CNTT, doanh thu gần 700 triệu USD vào năm 2018. Đà Nẵng cũng có 38 trường đào tạo CNTT cung cấp khoảng 3.500 nhân lực/năm. Nhật Bản là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Đà Nẵng với 177 dự án, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng (trên 36% thị phần xuất khẩu).
Hiện Đà Nẵng có các khu Công viên phần mềm, khu CNTT tập trung, khu Công nghệ cao... với rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực CNTT, là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
HẢI QUỲNH