Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 (1975-2025):

Ngày giải phóng Đà Nẵng qua ký ức nữ Anh hùng & cựu nữ quân y

Thứ sáu, 28/03/2025 09:45

Trong những ngày cuối tháng 3 lịch sử này, nhớ lại thời khắc TP Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Huỳnh Thị Thơ (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và bà Nguyễn Thị Chua (trú 50 Yên Bái, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên y tá Huyện đội Điện Bàn lại dậy lên bao cảm xúc bồi hồi khó tả.

Vợ chồng CCB Nguyễn Thị Chua sau giải phóng. Ảnh: NVCC
AHLLVT Huỳnh Thị Thơ (phải) tại buổi lễ chào mừng 50 năm ngày giải phóng phường Khuê Mỹ.

Vui sao nước mắt lại trào…

Ngày 28-3-1975, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng.

Nữ Anh hùng Huỳnh Thị Thơ nhớ lại thời khắc lịch sử không thể nào quên này: Vào thời điểm đó, dù còn rất trẻ song tôi được tổ chức tín nhiệm giao giữ chức tổ trưởng Biệt động tự vệ mật phường Bắc Mỹ An (nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Giữa tháng 1-1975, tôi được triệu tập về căn cứ để tập huấn các phương án tổng tấn công, giải phóng Đà Nẵng. Nhận lệnh từ cấp trên tiến công giải phóng Đà Nẵng, tôi trực tiếp chỉ huy đội Biệt động tự vệ mật phường Bắc Mỹ An cùng du kích, nhân dân địa phương phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm sân bay Nước Mặn.

Chiếm xong sân bay Nước mặn, chúng tôi bàn giao lại cho lực lượng Bộ đội chủ lực quản lý các loại khí tài do địch để lại rồi tiếp tục cùng du kích địa phương và lực lượng Bộ đội chủ lực khác chuẩn bị tiến vào giải phóng khu vực nội thành. Là lực lượng địa phương, thông thạo địa hình nên chúng tôi cùng nhân dân, lực lượng cơ sở được giao nhiệm vụ đi trước, mở đường. Rất tự hào khi là những người đi đầu, trực tiếp tiếp quản các khu phố, khu dân cư, buộc bọn ngụy quân, ngụy quyền ra đầu hàng. Không khí ngày ấy thật khó quên, khi biết được Đà Nẵng đã thuộc về tay Cách mạng, hàng ngàn người dân đổ xô ra đường ăn mừng, vẫy tay, vẫy cờ chào đón mừng quê hương được giải phóng, người dân được tự do…

Cũng trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng đó, quân và dân Đà Nẵng nói chung, Ngũ Hành Sơn nói riêng cùng đồng tâm, hiệp lực thực hiện lệnh của cấp trên, cùng tham gia giải phóng Đà Nẵng. Nhiều người dân mừng vui đến nỗi chuyển trạng thái từ cười sang khóc bởi sau bao năm tháng đợi chờ, mong ngóng, thời khắc lịch sử cũng đã đến: Đà Nẵng được giải phóng hoàn toàn, người dân được hít thở bầu không khí của tự do, độc lập, làm sao không khóc cho được…

Và điều làm tôi nhớ nhất là sự độ lượng, khoan dung của Cách mạng. Trước khi tiếp quản, chúng tôi tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng, giao nộp nhiều vũ khí để hạn chế đổ máu giữa 2 bên. Đồng thời, bố trí đưa những người lầm đường lạc lối về căn cứ để được học tập những đường lối, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước…

Thấm thoát đã 50 năm, Đà Nẵng từng bước thay đổi, khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành một đô thị lớn của khu vực miền Trung và của cả nước.

Vang mãi khúc quân hành

Quê Ngân Hà, Điện Ngọc, cuối năm 1970, cô bé Nguyễn Thị Chua đã lên Huyện đội làm liên lạc rồi y tá. Trưởng thành cùng những chiến công của đơn vị, cô không ngờ ngày giải phóng quê hương đến nhanh đến thế.

Vợ chồng CCB Nguyễn Thị Chua sau giải phóng. Ảnh: NVCC

Cựu chiến binh tuổi xấp xỉ 70 nhớ lại: “Tôi nghe thông tin từ cấp trên là: Mặt trận 4 và Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Điện Bàn đã cùng với các huyện bạn góp lực lượng thành lập Trung đoàn 97 Quảng Đà. Theo kế hoạch này, 3 đại đội 1, 2, 3 của Điện Bàn đã được điều lên tỉnh thành lập Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 97. Tiểu đoàn 4 do đồng chí Lê Ngọc Đường - Huyện Đội trưởng làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Phạm Hợi - Chính trị viên Huyện Đội, làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Tôi trong đội hình y tá C1 tham gia chiến dịch. Những ngày này không khíchiến thắng vang vọng khắp nơi...”.

Theo bà Chua, tối 28-3, toàn đơn vị hành quân về hướng Điện Ngọc và được bà con chèo thuyền đưa qua sông. Đến rạng sáng 29-3, đơn vị có mặt ở Hòa Hải và bắt đầu tấn công sân bay Nước Mặn. Bọn chỉ huy sư đoàn Thủy quân lục chiến và sư đoàn 3 ngụy tìm cách tập hợp lực lượng, lập trận địa pháo kích ở sân bay để ngăn chặn ta. Được pháo binh của các đơn vị chủ lực chi viện, các mũi xuất kích của Tiểu đoàn 4 đã tiêu diệt các cụm quân địch buộc chúng bỏ trận địa kéo quân ra hướng phía bắc. Lập tức các mũi tấn công của tiểu đoàn đuổi theo. Một máy bay chở các sĩ quan bị ta bắn đuổi vội vã cất cánh về phía biển. Một mũi của đơn vị chiếm được 2 xe M113 còn nổ máy, đồng chí Phạm Hợi ra lệnh cho bọn lái xe ngụy xuất kích tấn công lên phía Mỹ Thị, khu Thánh Mẫu và phía Mỹ Khê.

Tại đây, bọn địch co cụm quyết liệt chống cự, nhưng trước sức tấn công của Tiểu đoàn 4 và các đơn vị chủ lực, chúng lần lượt ra hàng với quân số rất đông. Đặc biệt Tiểu đoàn 37 biệt động quân của địch ngoan cố bám sở chỉ huy, Tiểu đoàn 4 cho xe bọc thép húc tường rào, chúng bỏ chạy. Dân ùa vào vác gạo chiến lợi phẩm. Cũng buổi chiều ngày 29-3, bọn thủy quân lục chiến liều lĩnh bơi ra tàu neo ngoài biển, ta chỉ đạo xe bọc thép bắn ra, chúng hoảng sợ bơi lại vào bờ lần lượt xin hàng. Sau đó Tiểu đoàn 4 tiếp tục truy quét địch ở nội thành Đà Nẵng. Ngày 1-5, C1 đi trước sau đó cả Tiểu đoàn ra giải phóng và tiếp quản đảo Cù lao Chàm và ở đây đến một năm sau khi chuyển giao cho đơn vị khác. Chiến công của Tiểu đoàn 4 làm nức lòng quân và dân Điện Bàn và Khu III Hòa Vang. Nhiều chỉ huy và cán bộ được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Mấy năm sau đó, bà Nguyễn Thị Chua được đi học văn hóa và chuyển ngành. Lấy chồng cũng là bộ đội (nay đã mất), bà Chua dành trọn tình cảm chăm sóc mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Không còn ở quân đội nữa nhưng bà luôn nhớ về Huyện đội Điện Bàn và những ngày tháng 3 lịch sử. Hàng năm bà luôn có mặt trong các lần gặp truyền thống và các lần nhóm họp của các CCB. Với bà, khúc quân hành vẫn còn vang mãi.

M.T - Lê Vy

Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Viết mãi bản hùng ca“

Chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng 28-3 (1930 -2025) và 50 năm ngày Giải phóng TP Đà Nẵng 29-3 (1975 - 2025), đêm 27-3, Quận Ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần VKSTAR tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Viết mãi bản hùng ca“.

Bảo tàng Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động với không gian trưng bày hiện đại

Sáng 28-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng và khởi công xây dựng tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp. Sự kiện có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Lãnh đạo thành phố dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố (28-3) và 50 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3), ngày 27-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang..