Ngày hè của những đứa trẻ bên sông Pô Kô

Thứ ba, 19/06/2018 17:40

LTS: Ghi chép “Ngày hè của những đứa trẻ bên sông Pô Kô” của Ái Thùy, một tác giả không chuyên, mô tả cận cảnh những điều chị trông thấy ở ngôi làng có tên là Kon Gung,  thuộc xã Đắk Mar, H. Đắk Hà, Kon Tum. Bằng ngôn ngữ đơn sơ, mộc mạc, bài viết vẫn toát lên tình thương, niềm trắc ẩn với những đứa trẻ nơi này, và đem đến cho bạn đọc chi tiết về một mùa hè tưởng như của bao nhiêu năm trước.

Trò chơ ô quan của trẻ em làng Kon Gung.

Ngày hè, tôi lại dong xe trên con đường làng về với Kon Gung, một ngôi làng bé nhỏ của người dân tộc thiểu số ở bồn địa Kon Tum. Ngôi làng được dòng sông PôKô  ưu ái ôm trọn vào lòng với những áng mây bồng bềnh trên ngọn núi xa.

Chỉ cách thị trấn Đắk Hà chừng 13km, nhưng Kon Gung như một cô gái  Rơ Ngao còn vẹn nguyên hương sắc của núi rừng với chừng 300 nóc nhà nằm cạnh nhau.

Nhưng tôi về Kon Gung mùa này không phải để đi dọc bến đò lắng nghe tiếng suối như một bản nhạc lúc trầm hùng, lúc êm ái, lúc thét gào, lúc ồn ã rộn ràng của dòng sông Pô Kô huyền thoại, cũng không phải để ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn và những bóng cây cổ thụ của núi rừng Tây Nguyên.

Chuyến đi này, tôi muốn theo chân những em bé Rơ Ngao, Ba Na, cùng đi tìm mùa hè của trẻ vùng cao.

Khi tôi vẫn còn mường tượng viễn cảnh sắp diễn ra, thì bất chợt, giật mình bởi một âm thanh rất lạ, tựu hồ âm thanh của những hòn sỏi lăn vội vã trên mặt đường. Ngoảnh mặt nhìn lại, trước mắt tôi, một hình ảnh thương mến nao lòng: Một em bé đang kéo chiếc xe cải tiến. Trên xe, các vị khách tí hon mặt mày nhem nhuốc. Tất cả chúng đang cười nắc nẻ.

Dường như, chúng đang chở theo cả một mùa hè!

Cách đó vài chục mét, một đám trẻ chơi trò bắn súng. “Súng” được làm bằng thân bẹ lá chuối. Thân lá được cắt ra với những mấu nhỏ, khi đưa tay gạt nó sẽ tạo thành âm thanh liên hoàn nghe rất vui tai.

Đi tiếp về phía bến đò, tôi bắt gặp mấy em bé đang chơi trò ô ăn quan... Tôi bắt gặp tuổi thơ của mình. Những trò cho thế này, hình như, đã “tuyệt chủng” nơi phố thị.

Chuẩn bị chơi trò đánh trận giả bằng súng bẹ chuối.

Trò chuyện cùng tôi, cô bé Y Mi Ly, học sinh lớp 9 - Trường THCS A Ninh, cho biết, mùa hè đến, em và các bạn trong làng thường chơi các trò ô ăn quan, nhảy dây,  bắn súng... Em cũng thích chơi những trò này, nhưng cũng ước được ra phố chơi. Ước mơ lớn nhất của em là được một lần đi siêu thị để nhìn cho thỏa thích. Xem trên tivi, các em nhìn thấy trẻ con thành phố bơi lội trong các hồ nước xanh ngắt, thèm lắm, nhưng không biết bao giờ mới được chơi những trò này.

Dù sao, bọn trẻ cũng tìm ra cách của riêng mình. Ngay cạnh bờ sông, gần bến đò, có một vùng nước lặng, chúng coi đó là hồ bơi. Và mỗi khi thích, chúng lại nhảy tùm xuống nước ngụp lặn, đùa vui...

Giờ đây, trước mắt tôi là dòng sông Pô Kô huyền thoại. Nhưng vào buổi sáng mùa hè này, dòng sông đã rút gần hết nước nước. Mấy con đò vắng im không một lượt khách. Xa xa  là những đồi bắp của làng tái định cư Hơ Mon.

Sát bờ sông, một chiếc xe máy cũ rách tơi tả được ai đó dúi đầu vào bụi cây. Những đứa trẻ làng Kon Gung không thể bỏ qua cơ hội này! Chúng biến nó thành trò chơi. Một đám trẻ ba, bốn đứa bu quanh chiếc xe máy, chơi trò... thợ sửa xe. Cũng may, chúng chỉ táy máy, chứ không mở một con con vít nào của chiếc xe vắng chủ kia.

Quay trở lại khoảng đất trống giữa làng, tôi bắt gặp những âm thanh quan thuộc của cuộc sống hằng ngày nơi phố thị - tiếng loa léo nhéo phát ra từ chiếc điện thoại kết nối Internet. Một đám trẻ vây quanh người bán kem dạo.

Ông bán kem kiên nhẫn mở điện thoại cho bọn trẻ xem Youtube.  Đám trẻ hiếu kì  bu lại, những đôi mắt tròn xoe thích thú... Một lúc sau, xem chừng “chiêu” dụ trẻ em bằng Youtube không hiệu quả, ông bán kem đòi lại điện thoại, rồi lại chở thùng kem đi nơi khác. Đám trẻ tan ra, chúng lại mò đến những khoảng đất trống, những hốc cây, chái nhà..., với những trò chơ không tên không tuổi...

Bé gái ở làng Kon Gung.

Chơi chán, lũ trẻ lại trở về nhà. Thực ra, lúc này, chúng là chủ nhân của ngôi làng, vì người lớn đã lên nương hết. Có người sáng đi tối về, cũng có những người đi vài ba ngày, thậm chí cả tuần. Bọn trẻ ở làng, dù lớn dù bé cũng phải tự túc lo bữa ăn. 

Tôi ghé vào một ngôi ngôi nhà nhỏ, ngay gian bếp có 3 đứa trẻ. Chúng ngồi quanh một nồi cơm. Bọn nhỏ lúi húi với bữa ăn không thể đạm bạc hơn. A Đen – một trong ba đứa trẻ, cho biết, em đang học lớp 9, Trường THCS A Ninh. Bố đã mất, em đang sống cùng  mẹ Y Wiuh. Đây là mùa hè cuối cấp nhưng cũng có thể là kỳ nghỉ hè cuối cùng của em, bởi lẽ, chuyện có học lên cấp III hay không thì vẫn chưa biết trước được.

Cơm nước xong, A Đen chào tạm biệt tôi, với tay lấy cái rìu, đội mũ, đi vào rừng.

Cũng đã đến lúc tôi rời làng. Dọc con đường làng, lướt nhanh qua tầm mắt tôi là những đôi mắt trẻ thơ to tròn, nhìn theo... Trong những đôi mắt ngây thơ và đẹp đẽ ấy, với tôi, dù đã bao nhiêu lần nhìn ngắm, vẫn huyền bí lạ lùng, và có cả một niềm khát khao háo hức không sao diễn tả thành lời.

Em nhỏ làng Kon Gung.

Đám trẻ túm tụm với chiếc điện thoại kết nối Internet của ông bán kem.

Trẻ em làng Kon Gung.

..............

Thực hiện bài viết: ÁI THÙY

Ảnh: ÁI THÙY

Đồ họa: NGUYÊN AN

Trình bày: CHÍ HIẾU