Ngày mới ở Brang
(Cadn.com.vn) - Làng Brang xa tít tận cùng của xã Đăk Pling, H. Kong Chro (Gia Lai), nơi một tiếng hú cả 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên đều nghe. Làng nằm chênh vênh dưới vách núi Kong H'noi, mang tiếng là điểm tiếp giáp của 3 tỉnh Gia Lai - Bình Định - Phú Yên nhưng địa hình cách trở khiến làng trở thành cô lập khi mùa mưa lũ về. Thế nhưng, nay chuyện đó đã qua khi làng được di chuyển ra nơi ở mới, thuận tiện hơn và không còn phải nơm nớp chạy lên núi nhìn trời khấn Yàng nữa...
Những đống đá lăn trong đợt lũ quét vẫn hiện diện ở làng Brang cũ. |
Ngày hòa bình lập lại, bà con dân tộc Bahnar làng Brang cùng dựng nhà, lầm rẫy quanh ngọn núi Kong H'noi xanh ngút tầm mắt - nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi của 3 tỉnh Gia Lai, Bình Định và Phú Yên. Với tập quán lâu đời, bà con thường sống cạnh sông suối để tiện cho sinh hoạt. Ngày đó, việc sản xuất lương thực, thực phẩm hầu như tự cung, tự cấp bởi điều kiện đi lại khó khăn. Từ TP Pleiku (Gia Lai) đến trung tâm H. Kong Chro 120km, vào đến làng phải đi thêm chừng 40km nhưng chỉ toàn đường đất đầy đá lởm chởm, trơn trượt. Trời đổ mưa chỉ vài ngày, hai ngầm nước lớn vắt ngang đường vào làng cuồn cuộn đổ về, làng gần như biệt lập với bên ngoài. Hơn chục năm trước, bỗng nhiên trên núi trổ ra hai ngách lớn tạo nên hai con suối tự nhiên băng ngang làng, người làng gọi là suối Ông Queo và Đăk Dơm. Cứ mưa lớn là nước trên núi lại đổ xuống cuốn theo đất, đá, cây cối, có cả những tảng đá to như con heo lăn xuống núi. Dân làng chỉ biết trèo lên nhà, khấn Yàng ngăn đừng cho đá lăn vào nhà. Đặc biệt, trận lũ kinh hoàng cuối năm 2009 khiến dân làng ám ảnh mãi. Mưa kéo dài mấy ngày, đêm, bỗng đâu nước ở từ trên núi như thác đổ về làng Brang, cuốn cả cây cối, đá tảng phi xuống như ngựa mất cương. Dân làng chỉ kịp hò nhau chạy lên chỗ cao, thanh niên chỉ kịp dắt người già, vợ, chồng chỉ kịp dắt con cái còn bỏ mặc tài sản giữa dòng lũ hung hãn. Có ba căn nhà sập một phần vì bị đá lăn vào. Nếu không chạy kịp, vài chục người làng đã mất mạng rồi. Đến giờ, cứ nghe mưa lớn, cây đổ là dân làng Brang lại giật mình. Những đá con, đá mẹ đó giờ vẫn còn nằm rải rác 2 bên bờ suối, ngay trong cả sân nhà...
Bộ đội cùng dân làng dựng nhà mới nơi làng Brang được di dời về. |
Giờ đây, nỗi lo lắng đó của 300 nhân khẩu làng Brang đã được xóa bỏ. Mới đây, nhờ sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang khi chỉ đạo dời làng khẩn trương, không để dân làng Brang phải sống trong nỗi ám ảnh lũ quét nữa. Tại nơi ở mới, cách nơi ở cũ hơn 500m, trên một vị trí đất bằng phẳng, mỗi hộ dân được cấp 480m2 đất ở và được hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà và ổn định cuộc sống trong mùa mưa lũ năm nay.
Ngày chúng tôi đến, giữa mảnh đất bằng phẳng, những ngôi nhà của dân làng Brang đang dựng lên. Tiếng cười, tiếng nói của người già, thanh niên cùng với bộ đội đang dựng những ngôi nhà mới được phân đất rõ ràng. Áo đẫm mồ hôi, vừa đóng đinh dựng lại ngôi nhà gỗ cho một hộ dân của làng Brang, xã Đăk Pling tại nơi ở mới, Đại úy Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5, cho biết: "Với tinh thần phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cũng như truyền thống của Trung đoàn 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng đơn vị AHLLVTND, chúng tôi xác định giúp dân càng nhanh càng tốt, di dời các hộ dân về nơi tái định cư và ổn định cuộc sống sớm nhất.". Đại úy Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, Quân khu 5 đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 2 đến giúp dân trong đợt di dời bà con vùng sạt lở làng Brang, xã Đăk Pling đến nơi tái định cư.
Với sự giúp đỡ của bộ đội, chính quyền địa phương, người dân làng Brang |
Trực tiếp chỉ đạo công tác di dời dân vùng sạt lở, ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND huyện Kong Chro cho biết, cùng với Bộ đội Quân khu 5, đợt này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cũng điều động 30 cán bộ, chiến sĩ, huyện cử hơn 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên xuống giúp dân. Quyết tâm của huyện là trong vòng 10 ngày sẽ hoàn thành việc di dời 60 hộ dân làng Brang. "Về lâu dài, H. Kong Chro sẽ đầu tư đầy đủ các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt cho bà con để bà con sớm ổn định, phát triển kinh tế tại nơi ở mới", ông Phan Văn Trung chia sẻ. Ông Lê Văn Cảnh, một người dân ở thị xã An Khê vào định cư, mở một quán nhỏ cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân, biết tin dời làng nhưng thiếu đất làm trường học, đã tự nguyện hiến 1.200m2 đất của gia đình khai phá từ lâu để chính quyền dựng trường. Ông Cảnh nói: "Mảnh đất có giá vài chục triệu đồng không sá gì so với việc học của các cháu. Đất này mình khai phá từ hơn 20 năm nay để trồng mỳ. Mong các cháu có chỗ học rồi học lên nữa để thoát khỏi cảnh khổ. Cuộc sống của người trong làng còn khó khăn lắm. Hầu hết đều nghèo, mỗi khi có việc cần đến tiền bạc không biết xoay xở ra sao. Nhà có người đau là bán bò, bán heo. Khổ lắm!".
Ông Lê Văn Cảnh (thứ 3 từ trái qua), người tình nguyện hiến 1.200m2 đất xây dựng trường học ở làng Brang mới. |
Trong căn nhà mới dù chưa chuyển đồ đạc sinh hoạt về, trưởng làng Brang Đinh Văn Miêu mừng rỡ: "Bà con làng mình giờ có nơi ở ổn định rồi, cũng mong là huyện sẽ sớm hoàn thành các công trình dân sinh. Về trách nhiệm bản thân, tôi sẽ vận động bà con cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế. Làm sao để không còn hộ nghèo, kinh tế phải phát triển hơn lúc còn ở nơi cũ". Ngày cũ cũng dần khép lại ở ngôi làng chuyên lo lắng khi mưa đổ về khi 300 nhân khẩu làng Brang sẽ "an cư, lạc nghiệp" ở nơi ở mới.
Minh Tân