Ngày phán quyết cho Tổng thống Brazil

Thứ năm, 12/05/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Chỉ cần 41 trong số 81 nghị sĩ ở Thượng viện thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày và nhường quyền lại cho người phó Michel Temer.

Những người ủng hộ đốt lốp xe chặn các con đường để phản đối
việc luận tội Tổng thống Rousseff. Ảnh: EPA

Sau nhiều tháng đồn đoán, cáo buộc và tranh luận, quá trình luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đi đến   giai đoạn cuối cùng: bỏ phiếu tại Thượng viện.

Theo CNN, 81 nghị sĩ sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 11-5 (giờ địa phương) để bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm bà Rousseff, trừ khi có quyết định ngăn chặn cuối cùng của Tòa án Tối cao. Nếu 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày. Phó Tổng thống Michel Temer sẽ lên làm tổng thống đến ngày 31-12-2018 – theo đúng nhiệm kỳ của bà Rousseff.

Theo cuộc khảo sát được tờ Folha de Sao Paulo công bố, 50 thượng nghị sĩ cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ quá trình luận tội. Bất chấp khả năng đối mặt với việc bị phế truất, Tổng thống Rousseff khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng và bằng mọi cách để ngăn cản việc bị bãi nhiệm. “Tôi sẽ không từ chức... Tôi sẽ chiến đấu với tất cả sức mạnh, sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có”, bà Rousseff tuyên bố tại một hội nghị của phụ nữ ở thủ đô Brasilia. Vị nữ tổng thống này sau đó khẳng định: “Tôi muốn đảm bảo với bạn, đối với tôi, ngày cuối cùng của nhiệm kỳ là 31-12-2018”.

Trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo Brazil cũng tố cáo Phó Tổng thống Temer và cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha là những kẻ phản bội và cầm đầu âm mưu “đảo chính hiện đại”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hiến pháp. Trong ngày 11-5, bà Rousseff cũng yêu cầu Tòa án Tối cao ngăn chặn quá trình luận tội, trong nỗ lực cuối cùng trước khi Thượng viện bỏ phiếu xem xét.

Bà Rousseff cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có tiếng nói quan trọng trên chính trường Brazil. Hôm 10-5, Tổng Chưởng lý Brazil Eduardo Cardozo đề nghị Tòa án Tối cáo hủy bỏ tiến trình luận tội tổng thống, cho rằng, cuộc bỏ phiếu luận tội bà Rousseff ở Hạ viện là kết quả của việc lạm dụng quyền lực. Hôm 9-5, quyền Chủ tịch Hạ viện Waldir Maranhao cũng đã không phê chuẩn và yêu cầu ngừng ngay việc xem xét luận tội tổng thống - động thái mà nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác đánh giá là “một cuộc đảo chính”.

Trong khi đó, hàng ngàn người cũng xuống đường tại nhiều thành phố lớn để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Rousseff và phản đối những gì họ cáo buộc là một “cuộc đảo chính”. Những người ủng hộ bà Rousseff đốt các rào chắn và chặn các con đường trên toàn quốc, gây ách tắc giao thông trên diện rộng để phản đối việc luận tội bà.

“Chiến dịch” buộc tội bà Rousseff được Chủ tịch Hạ viện lúc đó, Eduardo Cunha tung ra vào cuối năm 2015. Ông Cunha cáo buộc Tổng thống Rousseff vi phạm luật ngân sách khi vay mượn từ ngân hàng nhà nước để trang trải khoản thâm hụt và chi trả cho các chương trình xã hội trong thời gian bà tranh cử năm 2014. Một ủy ban đặc biệt được thành lập để điều tra vụ việc này, trong đó đi đến kết luận tổng thống phải bị đưa ra luận tội tại Quốc hội.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều đồng minh của Tổng thống Rousseff phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng trong cuộc điều tra sâu rộng nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras. Chiến dịch điều tra, được biết đến với tên gọi Lava-Jato (Rửa xe), lôi ra ánh sáng hàng chục doanh nhân và chính trị gia hàng đầu đất nước, trong đó có cả cựu Tổng thống Lula da Silva – người tiền nhiệm thân thiết của bà Rousseff.

Khả Anh