Ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Đề Văn vừa sức thí sinh, nhưng khó đạt điểm cao!

Thứ ba, 25/06/2019 14:00

Sáng nay (25-6), cùng với cả nước, 10.211 TS/10.242 TS đăng ký và đủ điều kiện dự thi trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mặt tại 24 điểm thi để dự thi môn đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2019- Văn (120 phút), vắng 31 TS. Không có TS vi phạm quy chế thi.





Tâm trạng của các TS sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Văn.

Kết thúc giờ làm bài thi môn Văn, các TS ra về với tâm trạng khá thoải mái. Hầu hết các TS đều nhận xét, so với năm ngoái, đề Văn năm nay “dễ thở”, ít phức tạp hơn. TS Nguyễn Trần Gia Bảo - HS trường THPT Phan Châu Trinh- chia sẻ cảm nghĩ: “Đề Văn năm nay dễ trình bày hơn so với đề Văn năm ngoái, nhất là phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cụ thể, phần nghị luận xã hội, thông qua trích đoạn thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương (phần đọc hiểu), đề yêu cầu TS  trình bày suy nghĩ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống là câu khá dễ trình bày đối với HS, bởi đây là vấn đề thường ngày trong cuộc sống. Câu nghị luận văn học, từ trích đoạn (đầu) trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, yêu cầu TS trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương và nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của nhà văn. So với đề Văn năm ngoái, phần nghị luận văn học của đề Văn năm nay dễ hơn. Năm ngoái, ở phần này ra  2 trích đoạn nên đòi hỏi TS phải đọc hiểu, cảm nhận, phân tích, so sánh cao hơn. Về mặt chủ quan, theo em, so với “Sông Đà” của Nguyễn Tuân thì “Sông Hương” của Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều “đất” để TS trình bày hơn. Tuy nhiên, phần đọc hiểu (3 điểm),  em nghĩ sẽ có khá nhiều bạn “bị gãy”. Bởi theo như em được biết, rất nhiều bạn ôn tập biện pháp tu từ hoặc phong cách nghệ thuật. Trong khi đó, các câu hỏi ở phần này lại không ra như vậy”. Tuy đồng quan điểm về đề Văn năm nay “dễ thở”, dễ trình bày hơn so với đề Văn năm ngoái, nhưng TS Ngọc Hào (HS trường THPT Trần Phú, dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH khối A1) lại nhận xét khác ở phần nghị luận văn học: “Theo em, đoạn đầu của tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” chưa có nhiều ý để TS có nhiều “đất” diễn đạt, nhất là với những TS có học lực từ Trung bình khá môn Văn trở xuống”. Đồng quan điểm này, TS Phan Thị Thanh Tuyền- HS trường THPT Nguyễn Hiền, đăng ký dự thi khối  khối D, chia sẻ thêm: “Tuy đề Văn năm nay ra vừa sức và đều nằm trong chương trình học lớp 12, nhưng cũng chính vì thế mà nếu bạn nào chủ quan, đọc đề không kỹ, không có vốn kiến thức cơ bản cùng vốn sống vẫn khó đạt điểm cao”. 

TS tự do đang công tác trong lực CA dự thi tại HĐT Trần Phú.

Nhiều TS cho biết không hề bất ngờ với đề Văn năm nay; có em cho biết từ suy đoán nên ôn rất kỹ 2 tác phẩm nói về dòng sông (sông Hương và sông Đà) .

Nhận xét đề Văn năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Thủy- Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Ngũ Hành Sơn- cho rằng, đề ra phù hợp với kết cấu đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT nhưng độ dễ có nhỉnh chút đỉnh (đề minh họa khó hơn, ra trích 2 đoạn ở phần nghị luận văn học- P.V). Vì thế, đề phù hợp với trình độ, năng lực của đa số HS. So với đề Văn năm ngoái có cả chương trình 11, đề Văn năm nay nằm trong chương trình lớp 12 nên TS làm bài đỡ vất vả hơn. Nhận xét cụ thể về phần nghị luận xã hội, theo cô Thủy, câu lệnh rõ ràng, không “đao to búa lớn”, yêu cầu TS trình bày về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” phù hợp với suy nghĩ HS hiện nay và mang tính thời sự. Với câu nghị luận văn học, tuy có dễ so đề Văn năm ngoái, nhưng cô Thủy cho rằng, đề ra có tính phân hóa cao. Bởi  đoạn trích đầu trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” chưa có nhiều “đất” để TS diễn đạt, nhất là đối với những TS học lực trung bình, cảm nhận còn “cạn”. Phải là những TS có sự cảm nhận tinh tế, có vốn sống và sự rung động mới có thể viết sâu, trình bày, diễn đạt tốt ở phần thi này. “Để đạt điểm trung bình đối với đề Văn nay không quá khó với TS, nhưng điểm khá, giỏi thì khó đạt”- cô Thủy chia sẻ thêm.

TS trao đổi cách làm bài thi sau khi kết thúc giờ thi môn Văn.

Chiều nay, các TS thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút.

P.THỦY