Ngày thi thứ 2 kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Đề thi tiếp tục khó

Thứ ba, 26/06/2018 13:36

Sáng nay (26-6), cùng với cả nước, các TS ở cụm thi số 4 Đà Nẵng bước vào làm bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên (KHTN gồm: Lý- Hóa- Sinh). Do số lượng TS đăng ký dự thi ở bài thi tổ hợp môn KHTN không nhiều, nên trong buổi thi này, có 4 HĐT không tổ chức thi gồm: THPT Ngũ Hành Sơn Hoàng Hoa Thám, Phan Thành Tài và Trần Phú. Trong phần làm bài thi tổ hợp môn, có 5528/ 5565 TS đăng ký dự thi 2 môn Lý- Hóa có mặt tại các điểm thi, vắng 37 TS, chủ yếu TS tự do. Có 5287/5316 TS đăng ký dự môn Sinh, vắng 29 TS.



Tâm trạng của các TS Đà Nẵng sau khi kết thúc giờ làm bài thi tổ hợp mon KHTN.  Ảnh: P.T

Tại HĐT THCS Tây Sơn dành cho TS tự do, sau khi kết thúc giờ làm bài của 2 môn Lý-Hóa trong tổ hợp môn KHTN, các TS đăng ký dự thi khối A rời khỏi phòng thi với tâm trạng không hài lòng do đề quá khó. Trần Thị Lam- TS tự do quê Đăk Lăk- cho biết, năm ngoái em thi đỗ ĐH Kinh tế nhưng do thích học ĐH Bách khoa nên bỏ học giữa chừng không bảo lưu kết quả, quyết tâm ôn tập để thi lại. Tuy nhiên, sau khi làm xong bài thi môn Lý- Hóa, em cảm thấy tiếc rẻ khi đã khong bảo lưu kết quả học ở trường ĐH Kinh tế: “Đề Lý- Hóa năm khó hơn nhiều so với đề thi năm ngoái. Biết thế này, em bảo lưu kết quả học tập tại trường ĐH Kinh tế”. Theo TS Lam, đề thi môn Hóa khó nhất ở phần bài tập hữu cơ, Lý khó ở phần bài tập điện và dao động cơ học. Ngoài ra, đề Lý có quá nhiều hình vẽ.

Tại điểm thi THCS Trần Hưng Đạo, nơi dành cho TS THPT thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, TS Văn Bảo- HS lớp 12 HS trường THPT Phan Châu Trinh, có điểm trung bình môn Hóa- Lý trên 8,5Đ, đăng ký dự thi để xét tuyển vào ĐH Kinh tế và ĐH Bách Khoa- cũng than đề khó. “So với đề thi tổ hợp môn KHTN năm ngoái, đề thi năm nay khó hơn nhiều, có tính phân hóa rất cao. Mỗi đề thi Lý- Hóa- Sinh đều có 40 câu, trong đó, với 2 môn Hóa- Lý em đánh trúng khoảng 30 câu, 10 câu còn lại chủ yếu đánh lô tô. Theo em, Hóa không chỉ khó ở phần bài tập hữu cơ mà còn khó cả ở phần lý thuyết vận dụng. Lý khó phần đồ thị dao động con lắc. Riêng môn Sinh em thi chỉ để xét tốt nghiệp nên chủ yếu đánh lô tổ, chỉ cần trên điểm liệt là được”- Bảo cho biết. Đồng quan điểm này, TS Hữu Thắng- HS trường THPT Phan Châu Trinh có điểm trung bình môn Hóa trên 9,3, Lý trên 8.0- nhận xét thêm: “Ngoài bài tập hữu cơ, phần vô cơ của môn Hóa năm nay cũng khó. Lý khó cả ở phần điện”.

Là TS đăng ký dự thi tổ hợp môn KHTN để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH khối B ngành Dược và Nha khoa, TS Nguyễn Hữu Đạt- thi tại HĐT Phan Châu Trinh- chia sẻ cảm nhận về đề thi môn Sinh: “Đề Sinh năm nay dài, khó hơn đề thi năm ngoái, kiến thức  rộng và bao quát hơn. Mặc dù em học Sinh khá tốt với tổng điểm trung bình cuối năm 9,1, nhưng với đề thi này em chỉ đạt khoảng 7,5- 8 điểm. Đề ra nhiều ở phần kiến thức gien di truyền. Dù biết năm nay có ra thêm kiến thức của chương trình kiến thức lớp 11, nhưng em không ngờ ra nhiều phần lý thuyết thí nghiệm đến vậy. Ngoài ra, có rất nhiều câu đếm, rất khó để đánh lô tô. Ví dụ, trong một câu đếm đề đưa ra 5 ý, hỏi TS có bao nhiêu ý đúng. Nếu câu đó có 4 ý đúng, mình chỉ đánh trúng 3 ý thì không có điểm ở câu đó. Với cách ra đề này, TS làm phép loại trừ cũng khó”.

Qua trao đổi với một số TS có học lực từ khá trở lên đối với bài thi tổ hợp môn KHTN năm nay, với cách ra đề đầy dụng ý này có thể là nhằm mục đích phân loại TS xét tuyển vào ĐH.

Chiều nay, TS bước vào môn thi Ngoại ngữ với thời gian 60 phút, bắt đầu giờ làm bài 14 giờ 30.

P.THỦY