Ngày thường bên dòng Sê-pôn
(Cadn.com.vn) - Công an xã nội địa thông báo, có án mạng xảy ra, tiến hành khóa cửa qua lại biên giới!”. Sau hiệu lệnh, tiếng bước chân gấp gáp tỏa xuống các bến dọc con sông Sê-pôn. Sân đồn Thuận vắng vẻ, chỉ còn tiếng bộ đàm gấp gáp điện báo về diễn biến tình hình, văng vẳng tiếng chó sủa gắt gao từ phía bờ sông.
Ngày nghỉ cuối tuần, tiếng kẻng làm việc vẫn vang lên ở Đồn biên phòng Thuận (xã Thuận, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) như một ngày bình thường. Nghe tiếng kẻng, hơn 20 chú chó lại chạy loạn trong sân đồn và quấn quýt theo chân những người lính vào phiên trực. Cách đồn không xa là dòng sông Sê-pôn lững lờ chảy. Bên kia con sông là đất bạn Lào.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Huy, Đồn phó Quân sự, quê ở tận tỉnh Vĩnh Phúc, mở điện thoại xem tin nhắn của vợ. Chị chia sẻ rằng, sắp tròn 100 ngày anh vắng nhà. Trung úy Nguyễn Viết Đạt, trinh sát viên thì nhắn tin thăm hỏi vợ. Đứa con 3 tuổi gởi nhờ phía nhà ông bà ngoại, còn vợ anh công tác tại trạm y tế, cách đồn 90km.
15 giờ, Đồn biên phòng Thuận nhận được điện khẩn từ Bộ chỉ huy BĐBP, rằng CA tỉnh Quảng Trị vừa thông báo có vụ trọng án xảy ra ở địa bàn giáp ranh, biên phòng phối hợp để chặn bắt đối tượng tháo chạy qua biên giới. Tại đồn Thuận, cuộc hội ý chỉ huy diễn ra khẩn trương, tấm bản đồ địa bàn được mở ra. Đơn vị quản lý đoạn biên giới trên sông Sê-pôn trải dài 14,5 km, chiều sâu 5 km, gồm 2 xã Tân Long và Thuận của tỉnh Quảng Trị. Từ nơi gây án, thủ phạm có thể tẩu thoát qua biên giới Việt – Lào chỉ trong vòng 30 phút và băng qua sông Sê-pôn từ 6 bến đò ngang.
Đồn phó nghiệp vụ Nguyễn Xuân Quý có thâm niên công tác tại đơn vị từ năm 2002, nên anh nắm chắc tình hình địa bàn và đưa ra những nhận định về khả năng tháo chạy của thủ phạm theo các đường hướng, bằng phương tiện... Còn thiếu tá Nguyễn Khắc Huy thì đưa ra các phương án tuần tra, chốt chặn các ngả trên đường biên theo dọc con sông.
“Khóa cửa qua lại biên giới!”. Tiếng điện thoại, bước chân gấp gáp, tiếng sập cửa tủ lấy vũ khí... Bóng áo xanh tỏa xuống các bến dọc con sông Sê-pôn. 6 bến đò băng qua sông bị khóa chặt. Tuyến đường đi Huế, ra Quảng Bình cũng được các đơn vị giáp ranh lập chốt kiểm soát. Trung úy Nguyễn Văn Tuấn, Trung đội trưởng vũ trang quàng chiếc áo mưa và nói “đêm nay chắc đội mưa ngủ ngoài rừng. Hôm trước cũng bắt được đối tượng vận chuyển 33 viên ma túy qua sông vào lúc chiều tối”.
Lực lượng biên phòng Việt - Lào tuần tra chung trên sông Sê-pôn. |
Khi màn đêm buông xuống, khung cảnh đồn Thuận nhòa vào bóng cây xanh rợp mát, xua tan đi khung cảnh căng thẳng lúc chiều. Đối tượng gây án đã bị CA bắt giữ. Lệnh khóa cửa biên giới được rút lại. Các đội chốt chặn biên giới quay về đồn, lưng ướt đẫm mồ hôi. 3 đồng chí cán bộ đảng viên trong các đội công tác lại tỏa xuống bám địa bàn và tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ tại 3 chi bộ thôn bản. Trung úy Nguyễn Viết Đạt, cán bộ trinh sát của đồn xuống địa bàn xã Thuận để tham gia sinh hoạt với chi bộ 4 của bản, do ông Pả Hiền làm Bí thư chi bộ. Tại buổi sinh hoạt trung úy Đạt thông báo thêm về tình hình ANTT tại địa phương, ý kiến nhắc nhở bà con chuẩn bị cho con em đến trường.
Còn tại chi bộ Bản Một Mới, trung úy Hồ Xuân Lê, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm ma túy đến sinh hoạt tại cùng chi bộ. Chi bộ đang tập trung bàn về việc phát triển 2 cây chủ lực của bà con địa phương là sắn và chuối. Lệ được chi bộ phân công phụ trách mảng thôn đội, CA, đoàn viên nên anh thường xuyên nắm chắc tình hình và có ý kiến đóng góp vào dự thảo chi bộ để góp phần đẩy mạnh phong trào. Chứng kiến buổi sinh hoạt, tôi chợt nhớ đến những lời thơ trong bài “Gieo hạt”: “Chi bộ họp giữa đường biên lộng gió/Nắng sạm da người cán bộ tăng cường...”.
Nửa đêm, những căn phòng ở đồn tắt điện, thỉnh thoảng tiếng chó sủa rộ lên khuấy động không gian yên lặng. Trung tá Đồn trưởng Tạ Quang Hậu cùng anh em đi dự đám tang của người nhà đồng đội đã hộc tốc vượt 400 km vừa đi vừa về và có mặt ở đồn lúc nửa đêm. Có bức điện khẩn lúc chiều nên không ai yên tâm ghé ngang thăm gia đình. Còn đồng chí quân y Cao Duy Lương thì nhận tin có bệnh nhân người Lào bên kia sông Sê-pôn, ngày mai anh sẽ lại mang túi thuốc đến khám chữa bệnh cho người dân cả 2 nước.
Có một người luôn trầm ngâm ngồi lặng nhìn ra dòng sông Sê-pôn, đó là trung tá Lê Văn Diễn. Anh được tăng cường làm Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận 12 năm. Còn 1 năm nữa là anh rời quân ngũ nên được rút về đồn. Các ban, ngành, đoàn thể ở xã tổ chức gì cũng vẫn chạy lên mời anh Diễn đến dự và thương anh như người trong nhà. Đời lính của anh đã quá gắn bó với sông Sê-pôn. Rồi đây, anh sẽ rất nhớ nơi này.
Lê Văn Chương