Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4: Hoạt động nhân văn và nhiều lợi ích

Thứ năm, 07/04/2022 17:18
Trong suốt 22 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 7-4 là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện" nghĩa cử hiến máu cứu người cao đẹp đã lan tỏa ngày càng sâu rộng khắp các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đông đảo Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng tham gia hiến máu tình nguyện.
Cán bộ, chiến sỹ Công an tham gia hiến máu tình nguyện.

Phong trào hiến máu tình nguyện phát triển rộng khắp

Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để đáp ứng cho các nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh; dự phòng cho tai nạn, thảm họa, dịch bệnh… như thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua. Máu có thể coi như món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người. Hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước luôn có những trường hợp người bệnh cần truyền máu để duy trì cuộc sống. Chỉ với một đơn vị máu được hiến tặng đạt yêu cầu, người hiến máu đã đem đến niềm tin, sự sống cho cả người bệnh và gia đình người bệnh cần máu.

Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã, đang phát triển rộng khắp, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; y tế, các chức sắc tôn giáo, công nhân và người lao động… Lượng máu tiếp nhận được qua các năm dù có tăng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu về máu của các bệnh viện trong cả nước.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ý thức của cộng đồng hiện nay đã hoàn toàn khác so với 5, 10 năm trước. Thời gian qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng mỗi lần gặp tình trạng thiếu máu, Viện chỉ cần kêu gọi, ngay ngày hôm sau đã có hàng ngàn người dân tham gia hiến máu. Thiếu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh sẽ không còn là nỗi lo, nếu tất cả mọi người khỏe mạnh đều sẵn sàng chia sẻ những giọt máu quý giá của mình; hiến máu thường xuyên, không vụ lợi để có được nguồn máu an toàn nhất.

Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh từng khẳng định, máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Những người hiến máu thường xuyên luôn sẵn sàng hiến máu theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu (khi đủ điều kiện), luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, đồng thời tự biết sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên có chất lượng nhất và an toàn nhất.

Tất cả mọi người khỏe mạnh có độ tuổi từ 18 – 60; cân nặng từ 42 kg trở lên đối với nữ và 45kg trở lên đối với nam; huyết sắc tố lớn hơn hoặc bằng 120g/l; không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu… đều có thể hiến máu. Hiến máu theo đúng hướng dẫn không có hại cho sức khỏe, do những thành phần của máu có đời sống nhất định và được thay thế thường xuyên. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn đời sống.

Nhiều lợi ích cho người hiến máu

Tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu không chỉ góp phần cứu người mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho bản thân. Theo Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc hiến máu thường xuyên, nhất là khi tuổi còn trẻ, góp phần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm tỷ lệ xuất hiện các cơn đột quỵ và các bệnh tim mạch.


Đông đảo Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng tham gia hiến máu tình nguyện.

Khi tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu được khám, tư vấn sức khỏe và làm một số xét nghiệm máu miễn phí; được đảm bảo an toàn truyền nhiễm và bí mật thông tin cá nhân; có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc sau hiến máu theo quy định hiện hành. Người hiến máu còn được nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc các gói xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe, tầm soát nhiều bệnh lý nguy hiểm để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe hoặc có các can thiệp y tế chuyên sâu hơn.

Đặc biệt, người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Không chỉ có giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn máu miễn phí trong trường hợp người hiến máu cần truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Số lượng máu bồi hoàn tối đa bằng lượng máu đã hiến. Như vậy hiến máu tình nguyện không chỉ giúp mỗi người có tinh thần thoải mái bởi cảm giác mình có thể cứu giúp tính mạng của ai đó mà còn giúp cơ thể người hiến máu khỏe mạnh hơn; đồng thời là cách để mỗi người kiểm tra, giám sát sức khỏe định kỳ.Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mong muốn, những người dân có đủ sức khỏe tham gia hiến máu thường xuyên bất cứ khi nào có đủ điều kiện, cơ hội.

Vì hàng ngày, hàng giờ luôn có rất nhiều bệnh nhân cần truyền máu để duy trì sự sống.Hưởng ứng "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện" năm nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức ngày hội hiến máu và lễ mít tinh hưởng ứng. Ngày 7-4 không chỉ là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người mà đã thực sự trở thành ngày hội để mỗi người dân Việt Nam thực hiện nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người, vận động mọi người tham gia hiến máu, góp phần nối dài sự sống cho những người bệnh cần máu.

M.H