Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương khống chế các ổ dịch mới
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chạy đua nỗ lực khống chế ổ dịch mới, trong đó có việc tạm dừng hoạt động nhiều khu chợ.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh lập chốt chống dịch tại tuyến đường có ca nhiễm.
Những ngày qua, Nghệ An liên tục ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có nhiều ca trong cộng đồng và trong vùng phong tỏa nhưng trước đó đã từng đến các chợ kinh doanh, buôn bán, mua bán hàng hóa. Tính đến 6 giờ ngày 9-11, tỉnh có 2.314 ca mắc COVID-19 ở 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tính đến ngày 9-11 một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã quyết định tạm dừng hoạt động của các chợ trên địa bàn như chợ Quán (xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc), chợ Quán Hành (thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc); chợ Rộc (xã Trung Thành, huyện Yên Thành)… Đây là những chợ mua bán chính của người dân địa phương, trong đó có những chợ truyền thống, mỗi phiên chợ thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài địa phương đến mua bán, trao đổi hàng hóa.
Việc tạm dừng hoạt động của các chợ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua bán của tiểu thương và người dân. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết và là yêu cầu bắt buộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi có các ca dương tính trực tiếp liên quan đến các chợ. Hiện nay, cùng với việc tạm dừng hoạt động của một số chợ trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, nhanh chóng khống chế, không để bùng phát dịch; giảm dần các ca nhiễm, nhất là tại các địa phương hiện đang là “điểm nóng” về dịch COVID-19 ở huyện Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên…
Trưa 9-11, sau khi khảo sát ổ dịch tại xóm Tân Thành (xã Tam Hợp), ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, đã làm việc khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Quỳ Hợp. Trước đó, vào tối 8-11, ông Dương Đình Chỉnh cũng đã có mặt tại xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc) để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trong những ngày qua, tại các huyện này liên tục xuất hiện các ca dương tính, với chiều hướng dịch diễn biến phức tạp, khó lường; dịch đã xâm lấn vào trường học, có các ca nhiễm là học sinh; số lượng F1, F2 có liên quan rất lớn, trải rộng đến nhiều địa phương khác. Cùng với nỗ lực cao trong phòng, chống dịch của các địa phương, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các địa phương khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp F1, tránh để bùng phát dịch ra diện rộng;...
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, từ 18 giờ ngày 8-11 đến 6 giờ ngày 9-11, tỉnh này ghi nhận 25 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca mắc cộng đồng tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh và 8 ca trong khu vực cách ly. Chỉ tính riêng tại huyện Kỳ Anh, từ ngày 6-11 đến sáng 9-11 ghi nhận 39 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; nhiều F0 là giáo viên, học sinh nên nguy cơ dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Huyện Kỳ Anh đã cử 30 cán bộ, nhân viên y tế cùng với sự hỗ trợ của 20 cán bộ Sở Y tế tập trung lấy mẫu xét nghiệm, phấn đấu trong ngày 9-11 xét nghiệm xong toàn bộ người dân xã Kỳ Thượng. Từ ngày 6-11, khi bắt đầu phát hiện ca mắc trên địa bàn cho đến 6 giờ sáng 9-11, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho gần 1.000 trường hợp F1, F2 và những người tiếp xúc gần; test nhanh cho gần 6.000 người tại xã Kỳ Thượng.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng hiện có gần 19.000 lao động với hơn 880 doanh nghiệp. Để đảm bảo an toàn sản xuất tại Khu kinh tế Vũng Áng, các doanh nghiệp đã chuyển trạng thái phòng dịch sang mức cao nhất để ngăn chặn dịch lây lan. Một số doanh nghiệp như Công ty gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA, Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào-Việt, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn sản xuất.
T.H