Nghệ An nỗ lực nâng cao chất lượng các trường THPT ngoài công lập

Thứ ba, 14/01/2020 12:59

Sáng 13-1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị các trường THPT ngoài công lập.

Hệ thống trường THPT ngoài công lập tại Nghệ An được thành lập những năm 1990, đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, từ những năm 2010 đến nay, các trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, có 4 trường đã giải thể, chuyển đổi hoạt động. Nguyên nhân là do số học sinh THCS giảm. Bên cạnh đó, còn do thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, chính sách đào tạo nghề sau THCS có nhiều ưu đãi nên nhiều học sinh đi học trung cấp nghề để có 2 bằng; nhiều học sinh có nhu cầu học ở trung tâm giáo dục thường xuyên do học phí ít và học ít môn hơn. Điều đáng nói, chất lượng dạy học, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ ở một số trường THPT còn bất cập, hạn chế nên chưa thu hút được học sinh.

Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 27 mô hình trường THPT ngoài công lập với tổng số 475 giáo viên cơ hữu làm việc theo chế độ hợp đồng. Tại hội nghị, đại diện các trường có nhiều ý kiến về khó khăn trong công tác tuyển sinh do công tác phân luồng ở bậc THCS chưa hợp lý. Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: sở sẽ xem xét lại quá trình chỉ đạo, điều hành và xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học hệ thống trường THPT ngoài công lập. Ông Thái Văn Thành nhấn mạnh, các trường THPT ngoài công lập phải chủ động về công tác quản lý chuyên môn, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; đổi mới hoạt động giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng dạy học, thu hút học sinh. Các trường cũng cần chú trọng trong xây dựng chiến lược, xây dựng thương hiệu để thu hút học sinh, đa dạng hóa các hoạt động, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh... "Chất lượng giáo dục ngoài công lập ảnh hưởng lớn đến chất lượng đại trà của giáo dục Nghệ An. Sở sẽ tăng cường công tác thăm lớp, dự giờ ở các trường Trung học Phổ thông ngoài công lập để lắng nghe tiếng nói của giáo viên trực tiếp đứng lớp, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể", ông Thái Văn Thành cho biết.

T.H