Nghệ An và những trăn trở khi thực hiện chương trình thay SGK lớp 1
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh (HS) lớp 1 sẽ được thiết kế học 2 buổi/ngày và môn Ngoại ngữ, Tin học cũng sẽ trở thành môn học bắt buộc. Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) triển khai thành công cần 3 yếu tố để đảm bảo đó là: cơ sở vật chất (đủ phòng dạy học 2 buổi/ngày và phòng học chức năng), trang thiết bị dạy học tối thiểu và đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, tại Nghệ An, những yếu tố nói trên vẫn chưa đủ.
Thay vì có phần mềm hỗ trợ hoặc thiết bị dạy học thì giờ học Tiếng Việt của Trường TH Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc vẫn chủ yếu học bằng sách giáo khoa. |
Thiếu cơ sở vật chất
Năm học này, Trường TH Nghi Xuân, H. Nghi Lộc có 6 lớp 1 với 208 HS. Số lượng trung bình 35 HS/lớp, được xem là một điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức dạy học theo chương trình mới. Ở lớp 1G, số HS được bố trí đúng chuẩn, mỗi bàn học chỉ có 2 HS, không gian trong lớp rộng, thoáng. Giờ học Tiếng Việt, vừa phải làm quen với bảng chữ cái, vừa bắt nhịp với môi trường mới, nhưng HS khá hào hứng và các em đều đã theo kịp được bài đọc trong sách.
Là giáo viên kinh nghiệm, có nhiều năm tham gia giảng dạy chương trình lớp 1, cô giáo Phùng Thị Mai, chủ nhiệm lớp 1G cho biết: Với môn Tiếng Việt, theo chương trình giữa các bài tập đọc có phần mềm minh họa bằng hình ảnh hỗ trợ cho các giáo viên trong quá trình tổ chức bài giảng. Tuy nhiên, hiện nay, do các lớp học ở Trường TH Nghi Xuân chưa có tivi, cũng chưa có màn chiếu hỗ trợ, HS vẫn đang phải học “chay”. Vì vậy, thay vì sử dụng hình minh họa ở phần mềm, cô giáo Phùng Thị Mai vẫn đang sử dụng sách giáo khoa để HS xem và đánh vần khá vất vả. Trong khi đó, theo nhiều giáo viên, việc có những phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ chiếm đến hơn 50% thành công của bài giảng.
Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy học theo chương trình GDPTM cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tại huyện miền núi Tương Dương, qua thống kê của Phòng GD-ĐT huyện, chưa có trường học nào đủ điều kiện để trang bị tivi hoặc máy chiếu cho trường học để giảng dạy theo đúng như chương trình GDPTM đã đề ra. Thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường TH Lưu Kiền thẳng thắn nói: Để tổ chức dạy học, việc bổ sung trang thiết bị là rất cần thiết cho cả giáo viên và HS. Trong điều kiện của huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhà trường chỉ cố gắng vận động HS mua đủ sách giáo khoa cơ bản cho các em đi học, còn thiết bị và sách tham khảo hầu như không mua.
Bà Võ Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT H. Tương Dương thừa nhận: Mặc dù đã bước vào năm học mới nhưng các trường trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn chưa mua sắm đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học. Hiện nay, phòng đang rà soát toàn bộ nhu cầu của các nhà trường và làm tờ trình đề xuất huyện Tương Dương hỗ trợ. Theo thống kê tại Nghệ An, về cơ bản đã bố trí đủ phòng học để HS học 2 buổi/ngày với trên 75% là phòng học cấp 4 trở lên. Nhưng phòng học chức năng thiếu rất nhiều, đặc biệt là phòng học Tin học và phòng học đa năng.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trầm trọng. Riêng năm nay, các trường phải ưu tiên giáo viên cho lớp 1, do vậy, tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học khác lại càng khó khăn hơn.
Hiện tỷ lệ theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp nhưng ở Nghệ An chỉ mới 1,28 giáo viên/lớp, cá biệt nhiều đơn vị như Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai rất thấp. Trường TH Quỳnh Thiện A, thị xã Hoàng Mai năm nay có 18 lớp nhưng chỉ có 14 giáo viên (trong đó có 1 giáo viên nghỉ sinh). Để bố trí đủ giáo viên, nhà trường buộc phải hợp đồng thêm cả giáo viên nghỉ hưu và những sinh viên tốt nghiệp mới ra trường. Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc hợp đồng có thể không đúng quy định nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.
Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên cũng đang khó khăn, bởi hiện nay, mức chi trả trung bình là 35.000 đồng/tiết như ở Quỳnh Lưu không thu hút được giáo viên. Nhiều địa phương vì thiếu giáo viên nên Hiệu phó nhà trường cũng phải đứng lớp như một giáo viên văn hóa. Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND H. Quỳnh Lưu chia sẻ: “Năm học này, việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Nguyên nhân chính bởi hiện nay, theo quy định mới của Luật Giáo dục, phải tuyển dụng giáo viên có trình độ đại học, còn nếu hợp đồng khoán tiết, giáo viên không mặn mà bởi mức chi trả quá thấp”.
Với tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có tờ trình xin bổ sung 7.843 biên chế nhưng hiện vẫn chưa có quyết định bổ sung. Qua rà soát, trong những năm tới, số lượng HS trên toàn tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng nhanh. Vì thế, việc chuẩn bị các yếu tố nói trên không chỉ để giải quyết cho năm học này mà còn cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh bị động cho những năm học tiếp theo.
P.V