Nghề buôn chó, mèo
(Cadn.com.vn) - Họ đi đến đâu, bầy chó trong làng thay nhau sủa inh ỏi. Nhiều chú cún nhát vía, cụp đuôi trốn vào những góc nhà. Họ là ai mà cái "uy" lớn như ông ba mươi vậy? Xin thưa, họ cũng là những con người bình thường, chỉ có điều, họ làm công việc buôn chó, mèo.
Ở làng quê miền Trung, hầu như nhà nào cũng nuôi một vài chú chó, hoặc mèo. Bởi vậy, mỗi ngày, ở các xã huyện Duy Xuyên, Quế Sơn… (Quảng Nam), có đến hàng chục chiếc xe máy len lỏi đến các vùng quê để hỏi mua chó, mèo hoặc đổi lấy xoong, nồi. Chiếc loa phát thanh gắn trên xe ra rả "ai chó mèo bán không, ai đổi xoong, nồi không" quá quen thuộc ở những cung đường quê, kéo theo những tràng sủa inh tai và những cái nhìn thù địch của bầy chó. Bà Nguyễn Thị Yến ( 55 tuổi, H. Thăng Bình) gọi người buôn chó, đoạn thở dài: "Ở đây nhà nào cũng nuôi chó nhưng gần đây bị bắt trộm nhiều quá, đành lòng phải đổi bớt đi chứ không bọn cẩu tặc đánh chết bắt trộm hết". Theo bà Yến, gần đây tình trạng trộm chó, mèo xảy ra thường xuyên với nhiều thủ đoạn khác nhau, từ cho ăn bã rồi dùng cây để đánh, sáng ra mà nhìn đường đầy máu là biết kiểu gì cũng có nhà mất chó.
Cũng chính vì thế mà người buôn dễ dàng hơn trong việc nhắm vào tâm lý của chủ nhà để mua. Khi đàn chó đang độ tuổi ăn thịt thì nhiều thương lái buôn chó, mèo từ nhiều nơi lại tìm đến gạ gẫm. Chủ thì không muốn bán nhưng vì sợ mất đành ngậm ngùi nhìn đàn chó cưng của mình bị người buôn đưa đi. "Hồi trước tôi nuôi chó được 2 năm, bán với giá 300 ngàn đồng. Tiền trao chó bắt nhưng trong lúc chở đi không biết răng mà nó lại thoát được chạy về nhà, quẩy đuôi quấn quýt. Từ đó tôi nuôi hắn cho đến khi bị bệnh. Nói thật chứ loài chó thân thiết với mình, cực chẳng đã mới bán chứ bán đi mình cũng buồn lắm", bà Phan Thị Sáu (50 tuổi) góp chuyện.
Cũng có người không cẩn thận bị chó, mèo cắn phải tay rồi đi tiêm thuốc. Trong lúc giận, buồn bực chủ nhà gọi bán chúng đi. Ở quê, người nuôi chó, mèo không với mục đích mua bán, trao đổi nên 2 loài vật này rất thân thiết với chủ. Lúc chủ vắng nhà, chó là người bảo vệ đắc lực tránh tình trạng trộm cắp vặt, mèo giữ vai trò trong việc canh gác chuột quậy phá nông sản mỗi khi mùa thu hoạch về.
Thao tác bắt chó sau khi đã thỏa thuận giá cả với chủ nhà. |
Chó, mèo đổi xoong, nồi
Buôn chó mèo từ lâu đã trở thành cái nghề của nhiều người. Trên chiếc xe cà tàng chở lồng sắt cùng cái kẹp sắt và vài ba dụng cụ như xoong, nồi người buôn tất tả về quê tìm nguồn hàng. Có thâm niên gần 20 năm trong nghề, Trung (quê Nam Định) mỗi ngày kiếm được 2 đến 3 chuyến hàng. Anh lặn lội từ vùng quê xa xôi vào Quảng Nam để trọ và hành nghề, nửa tháng về quê 1 lần. Trong mỗi chuyến đi anh luôn mang theo xoong, nồi để trao đổi chó, mèo. Trung cho biết, mùa mưa thì chó, mèo được giá hơn mùa nắng vì mùa nắng các loài động vật dễ mắc bệnh dại nên các nhà hàng, mối buôn lấy cớ o ép giá. "Hiện nay ở các vùng quê tình trạng mất trộm chó diễn ra nhiều nên đánh vào tâm lý người nuôi, mình trả giá mềm mềm tí là họ bán liền. Nếu không lấy tiền thì đổi lấy xoong, nồi thiếu thì bù tiền thêm, dư thì mình trả tiền lại. Cứ thế nói ngọt ngọt tí là thuận người bán, đẹp lòng người buôn", Trung bật mí bí quyết.
Để việc mua bán diễn ra thuận lợi, nhiều người buôn tìm ra chiêu trò để chủ nhà bán chó, mèo mà không thấy tiếc. Thường thì muốn mua 1 con chó, mèo đang độ tuổi ăn thịt thì các thương lái mang đến chủ nhà 1 con chó, mèo con với lý do là cho nuôi miễn phí thế chỗ cho con vật được bán. Hoặc bán chó, mèo khuyến mãi xoong, nồi. Nghề buôn chó, mèo đòi hỏi người buôn phải có kinh nghiệm trong việc bắt chúng, sẩy ra là có thể bị chúng tấn công ngay. Có người bỏ nghề, cũng có chết dại vì bị chó tấn công khi bắt. "Chạy mất dép là chuyện thường xuyên, bí quá phải dùng gạch đá để thoát thân. Chó ở quê họ nuôi cả bầy, mình bắt 1 con là những con ở nhà bên xúm lại ví theo. Tôi có ông bạn cũng hành nghề buôn chó, mèo như tôi, mấy năm trước bị chó dại cắn chủ quan không đi tiêm thuốc, phải chết trong đau đớn", Hoàng (40 tuổi) trải lòng.
Phương tiện của những người buôn chó, mèo. |
Theo Hoàng, tùy trọng lượng của vật nuôi mà các thương lái trả giá với số tiền hợp lý. Mèo thì khoảng 50 ngàn đổ lại, mèo đen mua với giá cao hơn còn chó thì mua tiền trăm, 2 trăm, 4 trăm nghìn đồng, cỡ nào cũng có. Sau khi mua, chúng sẽ được các chủ mối mua lại rồi chuyển ra miền Bắc tiêu thụ. Nếu cảm thấy thích thì để lại làm mồi kêu các chiến hữu đến lai rai. Khác với nhiều loài vật nuôi, chó mèo "ăn chung, ở chung" nên rất thân thiết với con người. Chủ nhà bán không phải vì mục đích kinh doanh hay kiếm lời nên việc bán chúng cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ.
Mỗi ngày có hàng chục cuộc chia ly giữa chủ và vật nuôi hay những "hàng xóm" chó, mèo với nhau. Cuộc chia ly nào lại không có nỗi buồn, bởi giữa người với thú, thú với thú đều là sự gắn bó, thân thiết. Để rồi, sau những cuộc chia ly là một sự trống vắng pha chút tiếc nuối...
Trinh Nữ