Nghề đi lùi… kiếm tiền

Thứ hai, 31/10/2022 16:17
Lưới quát, hay nhiều nơi gọi lưới rùng, khá phổ biến ở những vùng biển ngang duyên hải miền Trung như  Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến  Khánh Hòa, Bình Thuận. Lưới quát không cần tàu thuyền công suất lớn nhưng cần nhiều người, và độc đáo nhất vẫn là cách kéo lưới mà ngư dân vui miệng đặt tên: đi lùi kiếm tiền. 
Trên biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).
"Chợ cá lưới quát" mỗi sớm trên bãi biển Mân Thái- Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng).

Lưới quát, hay lưới rùng thuộc họ lưới vây. Lưới được đan, bố trí theo cách thức từ "mắt thưa" đến "mắt nhặt", với nguyên tắc dồn cá, tôm, mực, cua, ghẹ… vào "đụt". Lưới quát có độ dài phổ biến từ ngàn, vài ngàn mét trở lên, tùy theo độ dài từ đó mà bố trí lượng người tham gia kéo lưới. Chọn được giờ cá ăn, vùng nước ưng ý, ngư dân phân công hai người có nghề dùng thúng chai "khoanh" một vùng rộng, khi nào "kín nước" là… kéo. Hai đầu dây là hai dãy người, dùng một loại dây bản to vòng vào thắt lưng, đầu kia buộc hờ vào chão cái của lưới, chầm chậm, đều đều, kéo theo hướng đi thụt lùi, mặt vẫn hướng ra biển (thế nên mới có tên gọi đi… lùi). "Vòng vây" của lưới cứ thế hẹp dần, hẹp dần. Nhanh thì hơn một giờ, chậm có thể lên đến vài giờ… xong một mẻ.

Ngư dân "làm" du lịch

Chính sự khác biệt của cách hành nghề lưới quát mà hiện nay, tại nhiều vùng biển ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, khu du lịch sinh thái Tiên Sa (Đà Nẵng), Tam Thanh, Bãi Rạng (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), ngoài khai thác hải sản mang bán, ngư dân chuyển sang kéo lưới phục vụ… du khách. Tại khu du lịch Tiên Sa Đà Nẵng, có một hộ ngư dân chuyên kéo lưới theo… đơn đặt hàng!. Khung giá dao động từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo mức độ "hữu nghị". Người bỏ tiền có thể tham gia kéo lưới, chụp ảnh, quay phim… và được hưởng toàn bộ số hải sản kéo được trong mẻ lưới đó. Nếu tình cảm, du khách chỉ chọn một ít loại mình thích, số còn lại "lại lưới" cho ngư dân. Tùy theo may rủi, con nước, mà mẻ lưới trúng đậm, huề vốn hoặc… thất bát. Ấy nhưng, nhiều du khách cho rằng, chim trời cá nước cho ai người nấy hưởng, chỉ cần được kéo lưới hoặc nhìn ngư dân kéo lưới, thu hoạch cá, mực… là đủ "lãi" rồi!.

Cũng lưới quát, tại bãi biển Phạm Văn Đồng (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), ngư dân phục vụ người dân và du khách theo cách khác: kéo lưới cho mấy tay "săn ảnh đẹp" và bán hải tươi sống ngay tại chỗ. Đã thành thói quen, mấy "nhiếp ảnh gia" nào sắm được ống kính ngon, body xịn là mang máy ra… "test" với mấy đội kéo lưới quát. Tương tự, người đi tập thể dục buổi sáng, khách đi theo nhóm gia đình, bạn bè… tranh thủ vận động chân thay, hít thở khí trời khí biển xong lại tụ về bên mấy cụm ngư dân kéo lưới quát để mua cá, mực. Cầm trên tay những con mực còn "nháy", "chớp", những mớ cá còn "nhảy" đành đạch, chưa nấu người mua đã… thấy ngon rồi. Ăn ngon thành quen, thành nghiện, nghề lưới quát nhờ thế mà… sống.

Trên biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Mấy đời lưới quát

Tại biển Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) sáng nào cũng có gần 20 ngư dân đi kéo lưới quát. Chưa mở mắt đã có người gọi: "Xuống Mỹ Khê kéo rùng không?", thế là cả một nhóm người đua nhau xuống biển. Chứng kiến gần 20 ngư dân, cả đàn ông, đàn bà đang khom lưng kéo lưới trong ánh nắng xiêng tuyệt đẹp, ai nấy đua nhau dùng điện thoại chụp lia lịa. Có người còn tiếc rằng quên mang máy quay để "giữ" lại khung cảnh này.

Hôm ấy, biển Mỹ Khê trời còn mờ trong sương. Mưa lất phất, pha chút se lạnh. Ông Phạm Có (65 tuổi), ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, cùng một thanh niên chèo thúng đi thả tấm lưới dài khoảng 3.000m. Ông Có phải đánh một vòng bán nguyệt trên biển, lưới căng ra từ bờ ra biển khoảng 1,5km, rồi lại từ biển vào bờ, hai bên đầu lưới cách chừng 100m, phải mất khoảng 30 phút mới xong.

Lưới ngư dân dùng để kéo rùng có dạng hình cánh cung thon dần về phía sau. Sau khi thả lưới, gần 20 con người oằn lưng, kéo từ từ hai đầu lưới từ biển vào bờ. Xa xa trên ngọn sóng bạc, cá bơi trúng lưới vọt lên không trung xoay tròn một vòng rồi rơi xuống biển, trong vòng vây của sóng lưới lung linh. Khi lưới càng gần vào bờ, cá nhảy lên càng nhiều. Trên bờ, hàng chục ngư dân phấn khởi, hai bàn tay chai sần ráng sức, hối hả kéo lưới vào bờ.

Sau hai giờ kéo lưới, mẻ cá đầu tiên đã nằm trên cát trắng, có cá liệt, cá hố, cá lẹp, cá đối, cá chim, cá cơm, mực, tôm, cua... ước chừng gần 20kg. Lúc này, ngư dân bắt đầu gỡ cá ra khỏi mắt lưới, tách riêng từng loại, tập trung lại một nơi và bán cá cho thương lái, khách du lịch, khách tắm biển.

Ngồi trên bãi cát nghỉ ngơi sau 2 mẻ lưới, bà Lê Thị Vương (50 tuổi), ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ cho biết, kéo lưới rùng là cách đánh bắt hải sản bằng lưới gần bờ khá độc đáo của người dân vùng biển này. Nghề này bắt đầu sau khi ăn Tết cổ truyền và kết thúc vào cuối tháng 9 âm lịch.

Kéo lưới quát ngư dân thường chọn vào sáng sớm, tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào thời tiết nên không cố định thời gian trong ngày. Cứ thấy biển lặng thì cùng nhau mang lưới ra biển. Bà Vương chia sẻ, kéo lưới từ 7 giờ đến 11 giờ sáng là được một giáp. Một ngày bình quân kéo khoảng vài chục ký hải sản. Bà Phạm Thị Sa (75 tuổi), cũng ở thôn Kỳ Xuyên cho hay, sống vùng biển này mấy chục năm, nhưng rất ít đi chợ để mua cá ăn. "Ở đây, ngư dân hay kéo lưới rùng trước nhà, tôi chờ khi lưới được kéo lên bờ thì ra mua cá. Cá rất tươi ngon", bà Sa khẳng định chắc nịch.

Nghề kéo lưới rùng đã có từ lâu đời. Nghề này tuy vất vả và dù không khá giả nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân ở các địa phương ven biển. Mỗi ngày kéo lưới, ngư dân bán hải sản thu được từ 300- 500 nghìn đồng/người. Vì vậy, có không ít gia đình theo nghề này, cha truyền con nối. Riêng ở xã Tịnh Kỳ, nói đến nghề kéo lưới rùng phải kể đến ông Có, 3 đời theo nghề.

Gần 50 năm gắn bó với nghề, có lúc kéo lên chỉ thấy rong biển, rác… "Nhưng không hiểu sao, tui vẫn đam mê", ông Có cười.

Ông Có nhớ lại, nghề này trước đây làm ăn được. Lúc đó, hầu như chỉ có thúng chai đan bằng tre, chèo ra thả lưới và kéo vào. Việc đơn giản nhưng có cá đổi gạo, làm nhà, cưới vợ, sinh con... nên ông bà ta sinh sống ven biển lựa chọn nghề này để mưu sinh. Hồi xưa, kéo lưới lên còn có cả cá thu, cá hố, cá bẹ... Ông Có kể, ông bà mình cũng chèo thúng ra để đánh nhưng không như bây giờ, lưới làm bằng vải đan bằng sợi tơ rất tốt. "Một buổi kéo rùng ngày xưa kéo được 5 - 7 tạ cá. Còn càng về sau thì số lượng cá đánh bắt được càng ít. Nay đánh bắt cá trên biển với nhiều phương tiện hiện đại, nên nghề rùng không bằng như xưa", ông Có thở dài.

Ông Có cho biết, biển yên thì kéo quát, sóng lớn thì xếp lưới nghỉ. Hiện nay, 3 dàn lưới rùng của ông Có, mỗi lần ra biển kéo từ 12- 15 người, thu nhập bình quân một ngày mỗi người được từ 300- 400 nghìn đồng, có hôm được 1 triệu đồng/người. "Tôi muốn duy trì nghề này, vì nghề này đem lại thu nhập ổn định. Công việc cũng không vất vả nên cả phụ nữ cũng có thể làm được, kiếm mấy trăm nghìn trong ngày chứ có phải ít", ông Có trải lòng. "Tui biết, ngay ở Quảng Ngãi, còn có nhiều người theo nghề như tui, ở Đức Minh (Mộ Đức), Bình Thạnh, Bình Châu (Bình Sơn). Ngay ở Đà Nẵng, thành phố mà còn nghề này thì… vui rồi", ông Có kết luận, vươn tay, vươn vai hít một hơi dài căng lồng ngực…

Hình như, lão ngư dân này còn thì thầm câu gì đó, với biển.

T.S