Nghề lặn trên đảo tiền tiêu

Thứ tư, 01/04/2015 12:21

(Cadn.com.vn) - Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm cách xa đất liền khoảng 15 hải lý, dân số hơn 21 ngàn người. Phần đông cư dân ở đây sinh sống bằng nghề trồng hành, tỏi và đi biển. Nghề lặn rất phổ biến trên đảo, nhiều ngư dân được ví như "rái cá" cũng không thể tránh khỏi lưỡi hái tử thần, không ít ngư dân "bán thân bất toại" vì nghề lặn.

Những chuyến đi biển định mệnh

Lý Sơn có 409 phương tiện tàu thuyền, hơn 3.100 lao động; trong đó có hơn 153 phương tiện với hơn 1.800 ngư dân hành nghề khai thác hải sản ở độ sâu từ 10-70 mét, chủ yếu là nghề lặn ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chọn nghề lặn mưu sinh, nhưng hầu hết các ngư dân trên đảo chưa từng được trang bị các kỹ năng lặn biển, kỹ năng sơ cứu ban đầu khi có tai nạn. Chính vì thiếu các kỹ năng lặn biển cơ bản, nên con số ngư dân tử nạn trên đảo khá cao. Hàng năm tai nạn lặn biển chiếm 2% số tai nạn lao động trên biển. Thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến nay, đã có 68 ngư dân tử nạn trong lúc lặn biển bắt hải sản, đó là chưa kể hàng trăm trường hợp tai nạn bại liệt dẫn đến cảnh đói nghèo. Cách nay 10 năm, trong chuyến đi biển ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Bùi Huệ, ở xã An Bình, do lặn quá sâu, áp suất nước lớn khiến anh bị tai biến, teo cơ hai chân, liệt nửa người. Khi đó anh mới ngoài 20 tuổi. Dù được gia đình đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không tiến triển, và ước mơ chinh phục biển cả của ngư dân trẻ này đành gác lại. Hiện nay tất cả sinh hoạt, đi lại đều trông vào người thân và chiếc xe lăn do các nhà hảo tâm tài trợ.

Nghề lặn biển "hái"ra tiền nhưng cũng lắm rủi ro.

Mới đây nhất, ngư dân Trần Văn Anh (1987) ở xã An Vĩnh không may tử nạn ở ngư trường Trường Sa khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong lúc tham gia lặn bắt hải sâm ở độ sâu 50 mét nước, do hệ thống cung cấp hơi trục trặc khiến ngư dân này không đủ khí oxy bơi lên mặt nước…Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp ngư dân đảo đối mặt với hậu quả nặng nề từ nghề lặn săn hải sản. Ông Nguyễn Quốc Chinh-Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, H. Lý Sơn cho biết, nghề lặn biển nước sâu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, song đây là nghề cho thu nhập kinh tế khá, nên thu hút nhiều ngư dân trẻ trên đảo chọn mưu sinh.

Trong quá trình lặn biển, ngư dân Lý Sơn dùng máy nén khí áp lực đặt trên tàu cá. Không khí từ bình được nén dẫn đến hệ thống van cùng các ống truyền dẫn khí rồi đến thợ lặn. Thợ lặn chỉ ngậm ống truyền khí, và lặn trần xuống độ sâu cần khai thác mà không dừng lại ở tầng áp nào để điều hòa áp suất. Khi hoàn thành ca lặn (thường là 70 mét), ngư dân tự bơi ngược lên từng tầng khoảng 10 mét, mỗi tầng nghỉ khoảng 5-7 phút, cho đến khi tiếp cận mặt nước. Với phương pháp này, lặn ở độ nước càng sâu, và thực hiện nhiều ca lặn trong ngày thì tỷ lệ tai nạn rất cao. Hậu quả tai nạn từ nghề lặn là tàn phế do liệt não, tổn thương tủy sống, điếc do thủng nhĩ, tiêu xương do nhồi máu tủy xương, trầm cảm…

Ông Phạm Hoàng Linh-Phó chủ tịch UBND H. Lý Sơn cho biết, nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ tai nạn trên biển hàng năm cho ngư dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với tổ chức Hiệp hội Pháp ngữ tương trợ và phát triển (AFEPS) giữa tháng 4-2015 sẽ mở lớp đào tạo kiến thức lặn biển, và kỹ thuật vật lý trị liệu phục hồi các di chứng do lặn biển nhằm giúp ngư dân có thể tự áp dụng trong quá trình hành nghề. Ngoài ra, các ngư dân tham gia lớp đào tạo này sẽ được trang bị bảo hộ lặn biển và chân nhái. Hy vọng sau lớp đào tạo, ngư dân Lý Sơn sẽ có vốn kiến thức lặn biển vững vàng để an tâm vươn khơi bám biển khai thác hải sản, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Quỳnh Như