Nghề luật tại Mỹ: Hái ra tiền nhưng bị nhiều ác cảm
Ra ngõ gặp luật sư vì sở thích “hở ra là kiện”
Mỹ từ lâu được biết đến là “thiên đường kiện tụng” khi người dân xứ cờ hoa được xem là thích kiện cáo nhất thế giới. Theo One Legal, mỗi năm có tới 40 triệu vụ kiện được đệ trình lên tòa án các cấp tại Mỹ.
Với tư tưởng phóng khoáng và thực dụng, người Mỹ không quan niệm việc kiện đó là đúng hay sai, có trái với luân thường đạo lý không. Điều quan trọng là nếu thắng kiện, họ thường sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường kếch xù. Đó là lý do cho con số vụ kiện khổng lồ tại đây, khi nhiều người sẵn sàng tóm lấy bất cứ sơ hở nào của người khác để đâm đơn và thuê luật sư đi kiện.
Văn hóa “hở ra là kiện” của người Mỹ giúp nghề luật lên ngôi. Theo dữ liệu năm 2022 của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, nước này có khoảng 1,32 triệu luật sư. Với tỷ lệ bình quân cao nhất thế giới, cứ 248 dân lại có 1 luật sư, có thể nói, tại Mỹ ra ngõ là gặp luật sư.
Tuy đông nhưng chính “tư duy mở” lại giúp nghề luật sư trở thành một trong hai lĩnh vực có thu nhập cao nhất trong xã hội Mỹ, cùng với bác sĩ.
Theo số liệu năm 2021 của Biglaw Investor, công ty chuyên theo dõi xu hướng trả lương của các công ty luật, lương trung bình của nhân viên luật năm đầu tiên là 205.000 USD (chưa gồm thưởng 20.000 USD), cao gấp hơn 3 lần thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ. Thậm chí, Wall Street Journal cho biết, nhiều luật sư có “số má” ở phố Wall còn thu nhập tới 15 triệu USD/năm.
Nghề gây thất vọng, đứng chót bảng về độ trung thực
Kiếm tiền dễ nhưng điều mâu thuẫn là nghề luật tại Mỹ lại thuộc top nghề khó ưa với công chúng. Có tới 61% số người Mỹ được hỏi bày tỏ sự thất vọng hoặc tức giận đối với công việc này, theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2022 được Digital Information World dẫn lại.
Luật sư cũng được xem là nghề “tư túi” và bị ám ảnh bởi tiền bạc nhiều hơn là vì cộng đồng. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, 1/3 người Mỹ cho rằng công việc này đóng góp rất ít, thậm chí không đóng góp cho xã hội - thấp nhất trong các ngành nghề được khảo sát.
Ác cảm của xã hội Mỹ lớn tới mức các chính trị gia từng làm luật sư như Chris Christie (cựu Thống đốc New Jersey) hay Thượng nghị sĩ Ted Cruz đều “giấu nhẹm” xuất thân của mình. “Khi xuất hiện trong các chiến dịch chính trị, “luật sư” thường là một thuật ngữ mang tính miệt thị mà các đối thủ nói về nhau”, trang The Washington Post bình luận.
Có nhiều lý do khiến luật sư trở thành một trong những nghề bị ghét nhiều nhất ở xứ cờ hoa. Trước tiên, luật sư thường bị coi là những người kiếm tiền bất chấp, luôn lạm dụng văn hóa kiện cáo của người Mỹ để “trục lợi”.
Trên thực tế, các công ty luật ở Mỹ không mấy khi từ chối khách hàng, thậm chí khuyến khích người dân đi kiện ngay cả khi chưa có bằng chứng rõ ràng hoặc lý do kiện rất điên rồ. Chính vì thế mà chỉ tại Mỹ mới có những vụ kiện kỳ quặc, thậm chí là ngớ ngẩn như: chồng kiện vợ không chung thủy vì phản bội… trong giấc mơ, khách hàng kiện hãng sản xuất bia đòi bồi thường 10.000 USD vì người mẫu quảng cáo “xấu”, kiện công ty phô mai đòi bồi thường 5 triệu USD vì thời gian nấu ăn lâu hơn quảng cáo…
Một đối tượng đặc biệt béo bở khác mà các luật sư thường xuyên nhắm đến là các doanh nghiệp, nhất là các thương hiệu lớn hay công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong trường hợp này, các công ty luật tại Mỹ sẽ chủ động “quăng lưới” bằng việc phát đi các thông báo hoặc quảng cáo kêu gọi mọi người thu thập bằng chứng chống lại một doanh nghiệp nào đó để khởi kiện. Phần lớn đó là các thông báo vu vơ và nếu may mắn “mẻ lưới” sẽ thu được “cá”. Khi đó, nếu giúp được khách hàng thắng kiện, luật sư sẽ nhận được phí hoa hồng rất lớn, có thể lên tới 35 - 40% giá thị bồi thường.
Một lý do khác khiến xã hội Mỹ ít thiện cảm với nghề luật sư là bởi sự… kém trung thực của nhóm nghề đáng lẽ cần đề cao đức tính này. Hãng thăm dò dư luận xã hội Gallup đã khảo sát và xếp hạng về tính trung thực và đạo đức của 22 ngành nghề tại Mỹ. Kết quả cho thấy, luật sư nằm trong nhóm cuối bảng khi chưa đến 1/5 người Mỹ cho rằng nghề luật duy trì được các tiêu chuẩn cao về tính trung thực và đạo đức.
H.A (tổng hợp)