Nghệ nhân 87 tuổi truyền đạo ẩm thực kinh đô Huế

Thứ tư, 17/03/2021 19:00

Nghệ nhân Mai Thị Trà là một trường hợp đặc biệt của Huế. Xuất thân trong gia đình quyền quý triều Nguyễn, bà Mai Thị Trà là thành viên danh dự Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực đầu tiên của Việt Nam.

Nghệ nhân Mai Thị Trà (áo hoa) truyền đạo ẩm thực kinh đô Huế cho người dân tại làng cổ Phước Tích.

Đã bước qua tuổi 87 nhưng bà Mai Thị Trà vẫn lưng thẳng và bước đi khoan thai, quý phái, gương mặt vẫn phảng phất một thời giai nhân ngẩn ngơ bao tao nhân mặc khách. Dù đã bước vào ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn còn rất tâm huyết với nền ẩm thực của kinh đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Xuất thân trong gia đình quyền quý, ông nội bà Trà là thầy giáo của vua Duy Tân; người cô ruột- bà Mai Thị Vàng cũng là vợ vua Duy Tân; cha bà là quan tri huyện... nên việc dạy nữ công gia chánh cho con gái rất được mẹ bà Trà chú trọng. Bà kể: "Ngày xưa ngoài học chữ, tui được mẹ và các chị, cô, dì... rèn rất kỹ về nữ công gia chánh, bắt đầu bằng việc bẻ khuôn bánh và gói bánh. Tui nhớ mỗi lần nhà có giỗ, chạp, bà, mẹ và các cô, dì của bà lại túm tụm làm đủ thứ bánh và các món ăn Huế để cúng tổ tiên. Được người lớn dạy bảo cùng với niềm đam mê bếp núc, tui trở thành một người thạo nữ công gia chánh tự khi nào không hay. Tui thấy lạ là bây giờ, nhiều người, kể cả những nghệ nhân đình đám của Huế cũng không biết gói bánh".

Được gia đình dạy dỗ từ bé, nghệ nhân Mai Thị Trà sở hữu nhiều bí quyết nấu nướng các món ăn cung đình, làm mứt, làm bánh... Từ khi ăn chay trường sau cơn lũ lịch sử năm 1999, bà chuyên tâm nghiên cứu và truyền dạy các món ăn chay. Để nấu món chay ngon, ngoài kiến thức, kỹ thuật chế biến từ gia đình, bà còn để tâm học hỏi từ đầu bếp ở các chùa khi vào đây giúp việc bếp núc, đúc kết kinh nghiệm qua mấy chục năm. Bây giờ, dù đã ở tuổi 87, nghệ nhân Mai Thị Trà vẫn còn hăng say trình diễn, truyền dạy cách nấu món chay cho những người yêu thích nội trợ.

Trong chuyến thăm, trải nghiệm ở làng cổ Phước Tích lần này, nghệ nhân Mai Thị Trà đã rất ấn tượng trước vẻ đẹp thơ mộng của ngôi làng cổ, đặc biệt với những ngôi nhà rường cổ, các sản phẩm gốm đã tạo nên một không gian cổ kính và thơ mộng. Tại chuyến thăm nghệ nhân Mai Thị Trà đã cùng với người dân Phước Tích trải nghiệm với các món ẩm thực đặc trưng, nghệ nhân đã truyền đạo ẩm thực kinh đô Huế cho người dân làng cổ, cùng truyền dạy cách chế biến các món ăn xứ Huế, thể hiện tình yêu bếp núc qua các món ẩm thực nơi đây.

Gần 30 năm cặm cụi truyền đạt kinh nghiệm nấu các món ăn xứ Huế cho lớp trẻ, bây giờ, đã qua tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân Mai Thị Trà vẫn truyền đạo ẩm thực Huế đến với bao thế hệ. Công việc vốn thầm lặng, nhưng nhiều người nghe tiếng đã tìm đến mời bà làm thành viên ban giám khảo trong các cuộc thi nấu ăn hay hướng dẫn cách chế biến một số món ăn trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bà Trà cho rằng, ăn chay thanh đạm mà vẫn tốt cho sức khỏe, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể: tinh bột, đạm, chất béo và vitamin. Nghệ nhân bộc bạch: "Ngoài công thức, bí quyết để nấu món chay ngon là từ tấm lòng. Nếu người nấu thực tâm mong người ăn được thưởng thức món ngon và lành, sẽ dụng công trong lựa chọn thực phẩm tươi ngon, chế biến thật tinh tế, khéo léo".

Có thể thấy ẩm thực là một cách mà người Huế khẳng định lẽ "sống đẹp" của vùng đất Cố đô, từ những điều đời thường nhỏ nhặt nhất, cũng là cây lá trong vườn, "mùa nào thức nấy", dưới bàn tay và sự thu vén tận tâm của người phụ nữ Huế, món ăn Huế đã tạo thành một dòng chảy bất tận trong chính dòng hải lưu ẩm thực riêng biệt so với các nền văn hóa ẩm thực khác trên cả nước.

Văn Bốn