Nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà

Thứ ba, 13/03/2018 13:46

Thời hưng thịnh, danh tiếng làng mộc Văn Hà (xã Phú Thành, H. Phú Ninh, Quảng Nam) lan truyền khắp cả nước, người người đổ xô về đây xếp hàng, mong sở hữu được sản phẩm từ chính đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng chạm trổ. Thế nhưng, theo thời gian, mộc Văn Hà dần dần lụi tàn, chính quyền địa phương, các ban, ngành cũng như UBND tỉnh Quảng Nam đã tìm đủ mọi cách để phục dựng, duy trì nhưng mãi vẫn là bài toán  khó tìm lời giải. Cả làng nghề một thời vang bóng bây giờ chỉ còn lại một nghệ nhân duy nhất ở tuổi 94.

Cụ Thẩm và những sản phẩm mộc do mình chạm trổ còn dang dở nhưng phải nghỉ vì tuổi cao.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cổ truyền thống mang đậm dấu ấn riêng biệt của mộc Văn Hà, cụ Đinh Thẩm (94 tuổi) - nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà không giấu được xúc động. Cụ Thẩm mang chứng nhận Nghệ nhân ưu tú vừa được Chủ tịch nước Trần Đại Quang phong tặng ra khoe rồi nói: "Cả một đời làm mộc, nối nghiệp cha ông nhưng đến đời mình "đứt gánh" thì ai mà không buồn. Mộc Văn Hà thời xưa trứ danh cả nước, bây giờ nhắc đến chỉ còn là nỗi khắc khoải, tiếc nuối". Theo lời cụ Thẩm, mộc Văn Hà đã tồn tại hơn 300 năm với nhiều giai thoại đáng tự hào. Cụ Tổ của nghề là người Nghệ Tĩnh, trên đường Nam tiến quyết định dừng lại tại Văn Hà rồi phát triển nghề mộc. "Thời đó mộc Văn Hà được mọi người ưa chuộng, có thể nói là hái ra tiền. Trong lần ra Huế thi, các cụ Tổ đã giành chiến thắng vang dội khi chạm trổ thành công một chiếc trụ đèn có hình con rồng uốn quanh và được vua Thành Thái tặng sắc phong cho 27 nghệ nhân làng. Bây giờ, sắc phong đó còn được lưu giữ trong từ đường họ Đinh", cụ Thẩm cho biết. Sở dĩ, mộc Văn Hà nổi tiếng đến vậy chính là nhờ những "bí kíp" độc đáo mà theo cụ Thẩm đó là dấu ấn riêng của một làng nghề. Tất cả những sản phẩm mộc Văn Hà đều được chạm khắc bằng tay một cách tinh xảo, chi tiết, cẩn thận. Những sản phẩm làm nên thương hiệu của mộc Văn Hà là những dụng cụ thông dụng trong đời sống hằng ngày như: tủ, rương, giường... Đặc biệt, mộc Văn Hà được biết đến là "cha đẻ" của các nhà rường nổi tiếng xứ Quảng, nhiều nhất là tại H. Tiên Phước và chiếc bàn "ma thuật" có thể tự xoay. "18 tuổi tôi đã theo cha làm mộc, lắp ráp nhà rường, làm bàn xoay nên những ký ức về thời vàng son đó là kỷ niệm đẹp của một nghệ nhân. Thời đó, khách đến tận nhà đặt hàng rất nhiều, thậm chí không có thời gian, công sức đáp ứng nhu cầu cho khách. Nhiều nhà rường nổi tiếng tại Tiên Phước đều do các nghệ nhân làng làm nên. Trong đó, kể đến như ngôi nhà rường 200 tuổi với 108 cây cột và ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở xã Tiên Cảnh với những chiếc trính có xoi trái cốc, ghim trính, ghim kèo... với một kiểu thức của nhà "tam đoạn" là minh chứng rõ nét nhất cho sự tinh vi bàn tay nghệ nhân mộc Văn Hà", cụ Thẩm bộc bạch. Cũng theo cụ Thẩm, những ngôi nhà này thường được dựng theo mẫu nhà cổ đặc trưng của người Việt như: "Tam nhị hạ thiên", "Tam gian tứ hạ", "Năm gian hai chái cổ lầu", "Thủy tạ tứ giác" hay "Vọng nguyệt"... Ngoài ra, chiếc bàn tự xoay "ma thuật" với nguyên lý chỉ có những nghệ nhân làng mới có thể chứng minh được cũng làm nên sức hút cho mộc Văn Hà. Chỉ cần đặt đôi bàn tay lên mặt bàn chiếc bàn sẽ tự xoay mà không hề cần bất cứ một lực đẩy nào. Thậm chí những nghệ nhân thông thạo còn có thể điều khiển bàn xoay bằng giọng nói.

Trước nguy cơ mai một, tháng 9-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận mộc Văn Hà là làng nghề truyền thống. Trước đó, nhiều chính sách, đề án cũng như nhiều đơn vị, nguồn lực đã được huy động đầu tư vào phục dựng làng nghề nhưng kết quả không khả quan. Mộc Văn Hà cứ thế lụi dần trước sự ra đi của những nghệ nhân làng. Trước đây, cả làng có đến 95% người dân theo nghề mộc nhưng hiện tại chỉ còn duy nhất cụ Thẩm biết nghề nhưng đã nghỉ vì tuổi cao, sức yếu. Một vài người vẫn theo nghề mộc nhưng làm dưới hình thức tư nhân, không lưu giữ được những nét độc đáo của làng nghề. Nhiều lớp, khóa đào tạo cùng những hướng đi mới đã được mở ra nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Kể đến như các khóa đào tạo của tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), những chủ trương đổi mới, hướng đến hỗ trợ làng nghề của UBND H. Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam. Nguyên nhân khiến mộc Văn Hà mai một chính là thị trường tiêu thụ dần thu hẹp do nhiều sản phẩm thị trường có mẫu mã đẹp lại có giá thành rẻ hơn nên sản phẩm làng nghề khó cạnh tranh. Hơn thế, thời buổi công nghệ tiên tiến, máy móc được áp dụng triệt để nhưng cái gốc của mộc Văn Hà lại phải là những nét chạm trổ tinh xảo bằng tay. Bởi vậy, khó cạnh tranh lại vì mộc Văn Hà phải mất nhiều công sức hơn mới ra được sản phẩm chất lượng. "Nhiều gia đình vẫn đau đáu phục dựng làng nghề nhưng vì điều kiện, kinh tế không ổn định nên điều đó là rất khó. Hiện tại, tuổi đã cao, sức không còn và hiển nhiên khi tôi mất đi thì mộc Văn Hà cũng theo tôi về với đất, con cháu chỉ biết đến mộc Văn Hà như một dấu tích của cái nghề tổ tiên từng một thời vang bóng", cụ Thẩm nói khi nhìn vào chiếc bàn tự xoay - sản phẩm cuối cùng từ đôi bàn tay tài hoa của cụ làm nên.

PHI NÔNG