Nghề phụng sự Tổ quốc

Thứ ba, 19/06/2018 09:39

Nhà thơ Xuân Diệu từng tuyên ngôn trong thơ của mình từ 50 năm trước: "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi. Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu. Tôi sống với cuộc đời chiến đấu. Của triệu người yêu dấu gian lao" (Những đêm hành quân). Đó là công việc của nhà thơ cũng là công việc của nhà báo. Trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 hiện nay, có bia tưởng niệm hình ngọn đuốc ghi danh các văn nghệ sĩ, nhà báo đã hy sinh trên chiến trường khu 5. Danh sách dài lắm. Nhiều người rất nổi tiếng, ai cũng biết như nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý..., nhưng cũng có nhiều nhà báo hy sinh lặng lẽ, ít ai biết tên. Có người không quản đạn lửa hiểm nguy chỉ để có một tấm hình đẹp, một thước phim sống động, một cái tin chiến sự nóng hổi. Tờ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ trước đây có đến 5 nhà báo hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Hai trong số đó không tìm được hài cốt.

Đưa hài cốt liệt sĩ an táng ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (9-2016).

Vẫn biết cuộc sống hiện tại không chỉ màu hồng. Còn đâu đó, tiêu cực, nhũng nhiễu, nhưng nhiệm vụ của nhà báo thay vì làm cho xã hội tốt đẹp hơn, lại có trường hợp trở thành thỏa hiệp với tiêu cực, thì thật là đáng trách.

Tôi nhớ đến những chuyến đi cùng các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào và Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 6 tháng mùa khô, cán bộ, chiến sĩ trèo lên những dốc cao, men theo từng con suối, lật tung những tảng đá gộc để tìm kiếm từng mẩu xương hay nắm đất đen. Nửa năm dãi nắng dầm mưa của 50 người cùng với bao tốn kém tiền bạc để quy tập được chừng 20 hài cốt liệt sĩ đã là niềm vui lớn. Ngày cuối cùng, tất cả các hài cốt được đưa về ở một điểm trong tỉnh bạn và làm lễ truy điệu. Lớp lớp người dân và quan chức nước bạn đến viếng, thắp hương, dâng hoa. Sau đó là lễ đưa tiễn hài cốt từ biên giới về nghĩa trang ở Việt Nam. Hàng ngàn người già và trẻ, gác hết mọi việc ra tận ven đường biên để đón, sau đó nghiêm trang thành kính dự lễ đưa các hài cốt liệt sĩ đi an táng trong tiếng nhạc trầm hùng, tiếng chuông gióng lên chậm rãi... Nhìn cảnh ấy, cứ mong có thật nhiều nhà báo đi cùng với Đội quy tập và đến dự buổi lễ an táng liệt sĩ như thế. Chắc chắn họ sẽ xúc cảm hơn với ngòi bút của mình, nghĩ sâu xa hơn về cái giá của hòa bình, độc lập tự do hôm nay.

Sứ mệnh báo chí trong bất cứ giai đoạn nào cũng lớn lao. Báo chí có thể làm thay đổi cuộc sống. Thiết nghĩ, những người làm báo hãy cùng giữ bầu nhiệt huyết về nghề, mài giũa "bút sắc, lòng trong"  để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

HỒNG VÂN