Nghệ thuật Tuồng khởi sắc

Thứ tư, 07/02/2024 14:44
Để nghệ sĩ có thể sống được với nghề, nuôi dưỡng tình yêu, đam mê đối với loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống vốn ngày càng kén khách..., không phải dễ. Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn (NSƯT) - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Nhà hát) chia sẻ với P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về nỗ lực tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng trong thời đại 4.0.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
Trích đoạn “Lỗ Lâm đề cờ” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đoạt HCV cuộc thi Trích đoạn sân khấu hay toàn quốc.

P.V: Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng năm 2023 các loại hình nghệ thuật sân khấu trên cả nước đã có những bứt phá đáng ghi nhận. Với nghệ thuật sân khấu Tuồng thì sao, thưa ông?

NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Sau đại dịch COVID-19, mọi lĩnh vực đều khó khăn, không riêng gì sân khấu Tuồng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, năm qua, Nhà hát đã khai thác thêm địa bàn biểu diễn, tăng cường chất lượng các chương trình, tổ chức đi biểu diễn được nhiều nơi. Đặc biệt, trong các buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách đến làm việc với lãnh đạo thành phố như đón tiếp Thái tử và Công nương của Nhật Bản, Đức vua Campuchia..., các chương trình của Nhà hát biểu diễn được khách đánh giá cao, lãnh đạo thành phố vui lắm. Nhờ thế khán giả biết đến nhiều hơn, đối tác mời tham gia biểu diễn cũng nhiều hơn.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Từ cuối năm 2022 đến nay, Nhà hát duy trì biểu diễn phục vụ du khách ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với chương trình “Con đường di sản”. Trong chương trình này, Nhà hát đã uyển chuyển lồng ghép để quảng bá Tuồng, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế, các hãng thông tấn nước ngoài... Từ hiệu ứng của chương trình này, các khách sạn ở Đà Nẵng cũng đã kết nối với Nhà hát để đưa Tuồng vào khách sạn diễn cho du khách xem. Cùng với đó, Nhà hát tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu học đường”. Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 6-2023, Nhà hát tham gia 3 cuộc thi cấp quốc gia: Tài năng sân khấu, đạt 1 giải Nhì, 3 nghệ sĩ được giải Nghệ sĩ trẻ tài năng. Tại Liên hoan trích đoạn Tuồng hay, Nhà hát “ẵm” 2 giải Vàng, 3 giải Bạc. Ở cuộc thi Hòa tấu, độc tấu nhạc cụ toàn quốc với gần 50 đơn vị tham gia, Nhà hát được 1 HCV, 1 HCB.

Có thể nói, năm 2023 hoạt động của Nhà hát rất dày, đến nay đã gần 200 buổi biểu diễn. Với một Nhà hát nghệ thuật truyền thống thì đây là cả một sự nỗ lực rất lớn. Nhìn lại năm 2023 tuy vất vả, nhưng sau dịch mà hoạt động được như vậy là rất tốt. Tin vui là gần cuối năm 2023 Nhà hát đã kết nối được một số buổi biểu diễn, hy vọng 2024 sẽ có nhiều hợp đồng đi biểu diễn hơn...

P.V:Tín hiệu vui đó không có nghĩa sân khấu truyền thống đã qua rồi thời kỳ khó khăn?

NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Đúng vậy! Nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng đang ở trong thời kỳ khó khăn. Khó khăn nhất là lượng khán giả ngày càng giảm, trong khi chưa hình thành được hệ khán giả mới. Cụ thể, với nghệ thuật Tuồng đòi hỏi khán giả phải có hiểu biết nhất định về nó. Tuy nhiên, những người tiếp cận, xem tuồng thường xuyên càng ngày càng lớn tuổi, phần nhiều đã mất. Với nhiều trào lưu, hình thức giải trí ra đời cùng công nghệ hiện đại, ngồi nhà có thể xem được mọi thứ trên đời như hiện nay nên lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến nghệ thuật sân khấu Tuồng. Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, ngay trong trường học ở cả ba cấp (trừ khối lớp 10 THPT có 1, 2 tiết trong Văn học dân gian giới thiệu về sân khấu), học sinh chưa được đề cập đến môn học này. Trong khi ở nước ngoài, ví dụ ở Nhật, người ta đưa chương trình giới thiệu về nghệ thuật truyền thống của đất nước vào trường học từ bậc mẫu giáo. Vì thế, khi họ biểu diễn, các cháu hiểu ngay. Ở Hàn Quốc cũng vậy...

Khó khăn nữa là sau đại dịch COVID-19, các hoạt động nghệ thuật mà Nhà hát đã xây dựng trước dịch phát triển khá tốt thì bị “đứng bánh”, hầu như phải làm lại... Trong tổng thể nỗ lực bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đặc biệt này cần rất nhiều yếu tố liên quan, trong đó có đội ngũ những người viết, chuyển thể kịch bản. Hiện đội ngũ này rất mỏng. Hàng năm Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố mở lớp sáng tác VHNT nhưng hầu như năm nào cũng chừng đó con người. Đây là vấn đề đáng báo động...

P.V: Theo ông, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng thời đại công nghệ số là gì?

NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Chuyển đổi số đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, Tuồng nói riêng cực kỳ khó khăn, phức tạp và có tính hai mặt. Mặt tốt là những người không có cơ hội đến với Đà Nẵng để xem tuồng thì sẽ được xem qua công nghệ số. Mặt không tốt, nó khiến sân khấu càng thêm khó khăn. Thực tế đã minh chứng, sân khấu Cải lương ở miền Nam một thời hưng thịnh đã phải “điêu đứng” khi băng từ chiếm lĩnh thị trường...

Việc gì cũng vậy, bao giờ cũng phải phát triển từ gốc. Bây giờ mình không làm được cái gốc hoàn chỉnh như thời kỳ đỉnh cao thì cũng phải kha khá rồi mới tính đến chuyện phát triển. Sau đó là phải làm sao xây dựng được niềm tự hào, tự tôn về nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tôi đơn cử như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Nô của Nhật cũng tương tự như Tuồng của ta thôi, thậm chí có phần đơn giản hơn, thế nhưng muốn xem phải đặt vé trước mà giá vé rất cao. Ở Nhật, người dân từ tầng lớp trí thức thấp đến trí thức cao đều tự hào vì có kịch Nô. Khi nào mình xây dựng được niềm tự hào đó trong nhân dân thì lúc đó nghệ thuật truyền thống sẽ tốt lên.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên, không thể tách rời của Nhà hát. Để làm được điều đó, Nhà hát vừa diễn Tuồng, vừa xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc Việt Nam để biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách. Nhờ đó nâng cao được đời sống, nghệ sĩ được biểu diễn thường xuyên, nên giữ được diễn viên. Trong tất cả các chương trình nghệ thuật của mình, Nhà hát luôn xây dựng nghệ thuật Tuồng chiếm 50% thời lượng chương trình.

May mắn, Nhà hát luôn được sự quan tâm của thành phố. Vừa rồi được thành phố cho thêm 12 biên chế. Đây là điều hiếm đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Đấy cũng là một cách để người nghệ sĩ “giữ lửa” nghề.

Để thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết về Tuồng, Nhà hát tiếp tục thực hiện các chương trình “Đưa Tuồng xuống phố”, “Sân khấu học đường” bằng cách đến các trường học giới thiệu, biểu diễn cho các em xem; giao lưu, giải đáp những thắc mắc của các em liên quan đến Tuồng... Và không riêng gì Nhà hát, làm việc này có sự phối hợp chặt chẽ của Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng. Hội đã cử NSND, NSƯT về hưu tham gia vào CLB Sân khấu đi tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật truyền thống. Châm ngôn của Hội Nghệ sĩ TP đó là: Nếu có được điều kiện nào đó gặp gỡ học sinh - sinh viên thì cố gắng đem cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống quảng bá cho các em... “Mưa dầm thấm lâu”, qua thời gian hoạt động, thấy có những hiệu ứng tích cực từ xã hội, biểu diễn Tuồng ở nhiều nơi thấy có khán giả nhỏ đến xem.

P.V: Xin cảm ơn ông! Nhân dịp năm mới 2024, chúc Nhà hát ngày càng khởi sắc, gặt hái nhiều thành công.

PHAN THỦY (thực hiện)