Nghề trồng người

Thứ bảy, 08/02/2014 12:33

(Cadn.com.vn) - Lại thêm một mùa xuân nữa trong cuộc đời. Người ta tìm đến mùa xuân như để kiếm tìm những niềm rung cảm mới, để được thả hồn vào trong cái hơi thở dịu ngọt của đất trời, để được hòa nhịp đập trái tim vào miền sức sống căng đầy và êm dịu. Từ cảm xúc về mùa xuân, nghĩ về nghề dạy học, lại thấy hạnh phúc và cao quý thay cho con đường mà mình đã chọn.

Sự nghiệp giáo dục, nghề dạy học cũng như mùa xuân, mang cả một màu xanh của hi vọng, ước mơ và những tri thức tới cho cho bao thế hệ. Gắn với nghề dạy học, mỗi thầy cô giáo cũng đang tự dệt nên những mùa xuân cho các thế hệ, để các em biết sống yêu thương, biết ứng xử, biết đặt tương lai làm đích hướng tới cho mình, để các em không bao giờ hết nguôi niềm tin vào những cố gắng của bản thân...

Để có được những mùa xuân như thế là cả một quá trình nỗ lực của mỗi thầy cô giáo với những hi sinh lặng thầm cao cả. Những trăn trở, những nghĩ suy, những tìm tòi không mệt mỏi, cả những giọt nước mắt của thầy và trò chính là những viên gạch hồng xây đắp nên mùa xuân của tương lai và những thành công mới...

Tình thầy trò ấm áp

Tri thức luôn là những điều mới mẻ, cần được khám phá, như mùa xuân kia chẳng bao giờ có thể cũ được. Chinh phục những đỉnh cao tri thức cũng có nghĩa là các em học sinh tìm thấy mùa xuân tương lai cho mình. Vun xới cho "cây đời mãi mãi xanh tươi", bên cạnh sự dạy dỗ của các thầy cô chính là những cố gắng, công sức, ý chí nghị lực và khát khao vươn tới của các em.

Từ thời xa xưa, "Tôn sư trọng đạo" đã là một truyền thống tốt đẹp được nhân dân Việt Nam đề cao, yêu quý và gìn giữ. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ghi nhận: "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Với người thầy giáo, dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lý làm người. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi.

Mọi người thường hay ví người thầy giáo như người lái đò chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, chỉ có người lái đò vẫn dõi trông theo. Tôi lại nghĩ khác. Trên bến sông đời, lữ khách có thể chẳng mấy ai nhớ đến người lái đò nhưng trên bến sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ những tri thức và đạo lí cuộc đời do người thầy giáo mang lại cho học sinh sẽ trở thành hành trang để các em mang theo suốt cả cuộc đời mình.

 Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự mệt mỏi, đôi khi chán nản bởi còn những chuyện buồn của ngành giáo dục vẫn xảy ra nơi này, nơi khác. Nhưng đó chỉ là những nỗi buồn thoáng qua bởi quanh chúng ta có rất nhiều sự tin tưởng của xã hội, sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò.

Ta có thể bắt gặp học trò của mình ở khắp nơi, nơi công cộng, trong đám đông với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: "Em chào thầy ạ!". Ta lại có cảm giác tự hào, hạnh phúc vì thấy mình vẫn còn quan trọng trong cuộc đời con trẻ. Những phút giây ấy tiếp thêm niềm tin yêu, gắn bó với nghề dạy học mà ta đã chọn.

Đôi lúc nhọc nhằn buồn bực vì học sinh học kém, chưa ngoan... nhưng bằng tình yêu nghề, chúng ta vẫn vượt qua và vẫn luôn cảm nhận hạnh phúc lớn lao của nghề giáo. Và nghề dạy học cũng như mùa xuân, mang đến bao ước mơ, và những khát khao hy vọng. Nói cách khác người thầy đóng vai trò là người dẫn dắt học trò chinh phục những tri thức mới để các em tự tìm đến mùa xuân tương lai của chính mình. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, hãy là "một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời", hãy là những chiếc lá luôn xanh màu tô điểm cho cây đời xanh tươi mãi mãi...

Nguyễn Hoàng Anh