Nghi án MI6 đứng sau cái chết cố Thủ tướng Lumumba

Thứ năm, 04/04/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Giới tình báo Anh vừa dính cú sốc khi một thành viên của Thượng viện Anh, Lord Lea tiết lộ, một đồng nghiệp của ông và cũng là cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI6) Daphne Park từng thú nhận, người Anh tham gia vào vụ sát hại nhà lãnh đạo được bầu của Congo Patrice Lumumba và năm 1961. Vụ việc ngay lập tức dấy lên những tranh cãi gay gắt về vai trò và những hoạt động bí mật của tình báo Anh cũng như cơ quan tình báo của nhiều nước phương Tây và Trung Đông khác.

Lời thú nhận của “Nữ hoàng gián điệp”

Bà Park, từng là lãnh sự và bí thư thứ nhất của Anh tại Leopoldville (tên thủ đô thuộc địa Congo của Bỉ ) từ năm 1959-1960, thú nhận vụ việc ngay trước khi qua đời vào tháng 3-2010.

Theo tờ Guardian, nữ nam tước Park vốn được mệnh danh là “Nữ hoàng gián điệp” sau 4 thập kỷ phục vụ như một trong các nữ điệp viên hàng đầu của Anh. Bà Park đến Congo vào năm 1959 dưới vỏ bọc ngoại giao, thời điểm quan trọng trong lịch sử đất nước này- ngay trước khi Congo giành được độc lập từ Bỉ vào giữa năm 1960. Khi ông Lea hỏi bà Park liệu MI6 có làm gì đó không, bà ấy nói rằng: “Chúng tôi đã làm. Tôi đã tổ chức vụ đó”. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn dài với đài BBC, bà Park phủ nhận việc MI6 bí mật ra lệnh giết chết ông Lumumba.

 Ông Patrice Lumumba (phải) trở thành thủ tướng dân chủ đầu tiên của Congo vào năm 1960.
Ảnh: BBC

Chiến dịch “loại bỏ”

Sau khi giành độc lập từ Bỉ, Thủ tướng đầu tiên được bầu của Congo Patrice Lumumba ngay lập tức phải đối mặt với nhiều khó khăn. Quân đội nổi loạn trong khi các nhóm ly khai từ tỉnh Katanga giàu khoáng sản cũng nổi dậy. Lính nhảy dù Bỉ quay trở lại.

Ông Lumumba thực hiện bước đi định mệnh – nhờ Liên Xô giúp đỡ. Điều này khiến LondonWashington hoảng loạn, vì lo ngại Moscow sẽ có được một chỗ đứng vững chắc ở Châu Phi như ở Cuba. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Eisenhower tổ chức cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào mùa hè năm 1960. Ông sử dụng cụm từ “loại bỏ” khi nói với Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về những gì ông muốn thực hiện đối với Tổng thống Lumumba. Và CIA làm điều này. Cục tình báo của Mỹ đưa ra một loạt các kế hoạch - bao gồm cả các tay súng bắn tỉa và đầu độc ông Lumumba bằng kem đánh răng có độc - để “loại bỏ” nhà lãnh đạo Congo. Tuy nhiên, các kế hoạch không được thực hiện vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của Larry Devlin, một nhân viên CIA.

Không chỉ có Mỹ, việc ám sát Tổng thống Lumumba cũng được Anh bàn bạc. Quan chức Bộ Ngoại giao Anh Howard Smith được giao nhiệm vụ lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. “Đầu tiên là đơn giản loại bỏ ông ta ra khỏi chính trường bằng cách giết chết ông ta”, quan chức Bộ Ngoại giao và sau đó là Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) đã viết về ông Lumumba. MI6 chưa bao giờ chính thức “cấp phép” sát hại ông Lumumba. Tuy nhiên, tại một vài thời điểm, kế hoạch ám sát được đưa ra, song là theo chỉ thị của các chính trị gia chứ không phải là từ các điệp viên.

Vào tháng 1-1961, ông Lumumba bị sát hại. Anh và Mỹ có thực sự giết chết ông hay không? Họ không trực tiếp làm điều đó?. Điều này chưa rõ nhưng họ “có công” bắt giữ ông và giao cho một nhóm ly khai. Ông Lumumba bị tra tấn và hành hình bởi 2 người đàn ông có mối quan hệt gần gũi với CIA và MI6. Điều này có nghĩa là MI6 đồng lõa trong cái chết của Lumumba? Có thể họ biết về kế hoạch này nhưng nhắm mắt làm ngơ hoặc thậm chí tích cực khuyến khích.

Câu trả lời cuối cùng về vai trò của Anh và Mỹ trong cái chết thương tâm này vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng thật sự, trong quá khứ, London cũng thực hiện các vụ sát hại tương tự. Anthony Eden, Thủ tướng Anh tại thời kỳ khủng hoảng Suez, ra lệnh thủ tiêu Tổng thống Ai Cập Nasser. Và gần đây, Ngoại trưởng David Owen yêu cầu với MI6 giết chết Tổng thống Uganda Idi Amin.

An Bình

(Theo BBC)