Nghĩ gì qua các vụ bạo hành trẻ em?

Thứ bảy, 16/12/2017 12:43

1. Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên phạm vi cả nước thời gian qua tạo nên làn sóng công phẫn, gây bất an dư luận xã hội. Hết chuyện bảo mẫu Trường MN tư thục Mầm Xanh ở Q.12 TP Hồ Chí Minh bạo hành trẻ, đến chuyện cha, mẹ ghẻ xem con mình, con riêng của chồng/vợ như "kẻ thù"..., khiến những ai có lương tri đều không khỏi bàng hoàng, xót xa. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao mãi đến khi sự việc được báo chí phanh phui, phản ánh, các cơ quan chức năng mới bắt tay vào cuộc? Điều đó cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra, nắm tình hình ở cơ sở còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, tạo kẽ hở để cái xấu lộng hành.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao đổi với đại biểu bên lề diễn đàn đối thoại về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái.   Ảnh: P.T

Với các bậc làm cha, làm mẹ, việc hành hạ thân thể con cái đến mức suy kiệt, để lại thương tích nghiêm trọng không thể bao biện bằng câu "thương cho roi cho vọt", "thượng ép hạ, cha mẹ ép con" được. Còn với những người đã chọn chăm sóc, giữ trẻ là nghề (dù chỉ với mục đích mưu sinh đi chăng nữa) thì phải xác định rõ đây một nghề đòi hỏi phải có tính chịu đựng, lòng bao dung và niềm đam mê, tình yêu con trẻ. Nếu không có những đức tính ấy, đừng làm nghề nuôi dạy trẻ... Những hành động bạo hành mà các bảo mẫu không có đạo đức nghề nghiệp ấy đâu chỉ gây thương tích về  thể xác còn làm tổn thương, để lại di chấn về mặt tinh thần cho trẻ, khiến chúng bị ám ảnh, kinh hãi khi theo cha mẹ đến trường, đến nhóm lớp giữ trẻ. Trong mắt những đứa trẻ bị bạo hành ấy, bảo mẫu hay cô giáo giữ trẻ không phải là "mẹ hiền thứ hai" như từng được ngợi ca. Có người bao biện, có giữ, chăm sóc và nuôi dạy trẻ mới biết được sự vất vả, cực khổ để thông cảm cho sự mất "bình tĩnh" dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ của một bộ phận bảo mẫu, giáo viên mầm non (chủ yếu ngoài công lập ?!). Đây là sự bao biện không thể chấp nhận được. Bởi trên hết, người lớn phải làm gương cho trẻ. Làm sao có thể dạy dỗ trẻ phải có lòng nhân ái, biết yêu thương mọi người khi chính người lớn lại cho mình cái quyền được bạo hành, tra tấn trẻ không thương tiếc? Làm sao dạy dỗ khi bản thân cha mẹ, bảo mẫu chăm trẻ chỉ cho trẻ thấy toàn sự bạo lực từ người lớn?.

2. Song hành cùng nạn bạo hành trẻ em, thực trạng bạo lực học đường giữa HS với nhau với được quay clip tung lên mạng xã hội thời gian qua khiến không ít người xem bàng hoàng, bức xúc. Thương xót cho HS yếm thế bị đánh bao nhiêu lại âu lo, buồn trách bấy nhiêu khi thấy có không ít HS chứng kiến những hành vi phản cảm đó hoặc hò hét, cổ vũ hoặc bàng quan, thờ ơ hay sợ mà không muốn "dây dưa" vào chuyện bạo lực. Tại diễn đàn đối thoại mới đây liên quan đến nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, PGS.TS Nguyễn Như Liêm đến từ Hội Nữ Trí thức TP cho rằng, qua nghiên cứu các trào lưu sống, Việt Nam đang có sự suy giảm các giá trị và chuẩn mực về cuộc sống. Theo đó, mọi người không dám đứng ra để bảo vệ kẻ yếm thế, thấy cái tốt cũng cho đó là chuyện bình thường không nhân lên thành những điển hình để cộng đồng cùng hưởng ứng, noi theo. PSG.TS Như Liêm so sánh, thời chiến tranh, dù trong hoàn cảnh đạn bom, nghèo khổ, khó khăn, nhưng con người sống chan hòa, ra đường thấy người yếm thế bị bắt nạt sẵn sàng can ngăn, bảo vệ. Nhưng nay, phần nhiều mọi người đứng nhìn, thậm chí có người thờ ơ, bàng quan… Trước thực trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua trên phạm vi cả nước, Trung tá Lê Thị Thu Huyền- Hội Phụ nữ CATP- cho rằng, ngành GD-ĐT cần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng tự bảo vệ mình và bảo vệ bạn cho HS…

HS đến từ Trường THPT Phan Châu Trinh đặt câu hỏi về giải pháp để xử lý triệt để thực trạng xâm hại trẻ em gái tại diễn đàn đối thoại về "Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái".

Can ngăn, bảo vệ bạn và bảo vệ mình cần có kỹ năng là đúng, nhưng có lẽ, sâu xa hơn của vấn đề này chính là làm sao để cho HS không bàng quan, thờ ơ trước những hình ảnh bạo lực diễn ra trước mắt mình, nhất là ngay trong môi trường trường học. Tuy nhiên, nếu chỉ mỗi ngành GD-ĐT là chưa đủ. Vai trò của các bậc phụ huynh, gia đình và xã hội trong việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng này vô cùng quan trọng. Bởi thực tế, ngoài trường học, môi trường mà HS sinh hoạt, tiếp xúc nhiều nhất vẫn là ở gia đình. Tuy nhiên, trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại với sự tiện lợi từ internet, mạng xã hội đã "cướp" đi không ít gia đình thời gian được tiếp xúc với nhau. Không ít HS thời nay (không ngoại trừ ở nông thôn có điều kiện về kinh tế), tan học về lại "giam mình" bên ĐTDĐ hoặc máy, ipad trò chuyện, chát chit, tìm hiểu thông tin trên mạng…

3. Với những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay, câu chuyện giáo dục đạo đức, lối sống, nuôi dưỡng tâm hồn với những giá trị sống đẹp không chỉ dành cho HS mà cho toàn xã hội. Khi người lớn, mỗi công dân trong xã hội không ngừng tự hoàn thiện mình, sống nhân ái, giàu lòng yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, biết xót xa, căm phẫn trước cái ác, cái xấu, cái chưa tốt, không thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước những bất công, phi lý...- đấy là cách giáo dục dễ đi vào lòng con trẻ, giới trẻ nhất…

P.THỦY