Nghị lực của cô học trò tàn tật

Thứ ba, 06/10/2015 09:44

(Cadn.com.vn) - Chỉ với một chân nhưng hơn 8 năm nay, cô bé Hồ Thị Dôm (2001, thôn 1A, xã Phước Thành, Phước Sơn, Quảng Nam) bằng nghị lực phi thường đã vượt núi để tìm đến con chữ với quyết tâm thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Dôm là tấm gương sáng để nhiều bạn học cùng lứa noi theo.

Hồ Thị Dôm và giáo viên chủ nhiệm của mình.

Nhiều năm nay, hình ảnh cô bé Hồ Thị Dôm chỉ có một chân nhưng hàng ngày phải vượt qua gần 2km đường đồi dốc để đến trường đã gây nên niềm trắc ẩn trong lòng thầy cô và bạn bè của em ở trường trung học cơ sở xã vùng cao Phước Thành.

Tai nạn xảy ra với Dôm khi em còn rất nhỏ. Ngày đó, mẹ đi làm, anh trai ở nhà nấu cơm, vì ham chơi nên anh để Dôm nằm bên bếp lửa, khi ấy chỉ mới biết bò. Hậu quả, chân phải của Dôm bị cháy sém, co rút lại. Gia đình nghèo không có điều kiện đưa em đi bệnh viện, vậy là số phận đã cướp đi một bên chân của em. Ba mất sớm, Dôm sống với mẹ và anh trai.

Tuy vậy, cuộc sống thường ngày của em cũng chỉ có một mình vì mẹ và anh đi làm vàng cả tháng mới về một lần. Sống trong điều kiện ấy nên ngay từ khi bắt đầu có nhận thức, Dôm dần thích nghi với cuộc sống "mới" của mình, em tập nhảy lò cò bằng một chân. Với sự cố gắng hết mình và niềm lạc quan vào cuộc sống, em phải làm tất cả mọi việc trong nhà, chăm sóc bản thân, nấu ăn, giặt giũ... lẫn việc học không thua gì những người bình thường.

"Em cố gắng để không khóc trước những người lạ khi nói về hoàn cảnh hết sức khó khăn của mình. Với em, sự nghiệt ngã của số phận đã hun đúc thêm nghị lực giúp mình vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập", Hồ Thị Dôm chia sẻ.

Không thể mãi theo cái vòng lẩn quẩn thất học làm nương rẫy rồi nghèo đói nên Dôm tự nhủ với bản thân là phải học. Nói về chuyện đến trường của Dôm thì không thầy cô, bạn bè nào lại không cảm phục. Nhà Dôm ở tận nơi cao nhất của thôn 1A, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Thành thì nằm dưới thung lũng, con đường từ nhà đến trường dài hơn 2km, phải vượt qua con dốc chênh vênh đá lởm chởm.

Khổ nhất là trời mưa, đường trơn trượt, để đến được lớp học, em phải rơi nước mắt vì không ít lần bị té ngã giữa đường, quần áo, cặp sách tả tơi, chân tóe máu... Thế nhưng, một bàn chân nhỏ ấy của Dôm vẫn thoăn thoắt hằng ngày và hơn 8 năm qua chưa từng một ngày nào em vắng học. Sau tất cả những khó khăn, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, em gượng mình đứng dậy để bước tiếp.

Con đường đến trường chưa bao giờ là dễ dàng đối với Hồ Thị Dôm. Ảnh: H.Y 

Dôm chia sẻ về ước mơ giản dị của mình: "Em muốn học thật giỏi, sau này trở thành người làm việc vì cộng đồng để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh giống như em". Cô Lê Giang Quý Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 của Dôm đã bao lần phải ứa nước mắt khi nhìn cô học trò lấm lem bùn đất đến lớp say mê với từng con chữ, hay những lúc em giúp mẹ cõng bó củi trên tấm lưng gầy. "Dù tật nguyền nhưng Hồ Thị Dôm luôn là  học sinh gương mẫu, luôn đến đúng giờ, siêng năng trong học tập và trong các phong trào chung của lớp, của trường. Qua 8 năm học em luôn đạt thành tích học sinh khá trở lên và chưa một lần tự ý bỏ học như thói quen của nhiều học sinh vùng cao này", cô Trang cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Thành nói: "Nghị lực của em Dôm là một tấm gương cho học sinh trong trường noi theo. Ở xã Phước Thành, hơn 95% là học sinh thuộc đối tượng dân tộc thiểu số, cha mẹ học sinh cũng chỉ muốn cho con mình đi làm thuê, làm nương rẫy. Trong hoàn cảnh chung như vậy, một cô bé không lành lặn, gia cảnh khó khăn vẫn kiên trì đi học thực sự là một tấm gương sáng. Chặng đường phía trước của Dôm còn nhiều gian nan, nhưng bằng nghị lực, bằng niềm tin, chúng tôi tin em sẽ vươn lên tự khẳng định được mình. Nhà trường đã có những món quà động viên, hỗ trợ cho em trong học tập. Tuy nhiên là một xã miền núi, nên cũng có rất nhiều hạn chế".

Đại Thắng