Nghĩ từ mấy con số

Thứ năm, 11/09/2014 06:28

(Cadn.com.vn) - Mới đây, trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ  nhất về Báo cáo Việt Nam 2030 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể đem về lợi ích kinh tế lớn và cụ thể, nếu thực hiện thành công Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Các chuyên gia đưa ra ví dụ: Nếu giảm được 1 ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì các doanh nghiệp Việt Nam giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1 năm, khoảng 2,7 tỷ USD; hoặc, nếu số giờ nộp thuế giảm từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm (tương đương với các nước trong khu vực), sẽ tiết kiệm chi phí tới 6.600 tỷ đồng...

Những con số đó nói lên ít nhất 3 điều đáng quan tâm.

Thứ nhất, trình độ quản lý kinh tế của nước ta, với sự hỗ trợ của các định chế quốc tế, đã tiến bộ rõ rệt. Giờ đây, các nhà khoa học, quản lý đã có thể định lượng được lợi ích kinh tế của các chính sách bằng những con số rất cụ thể. Điều đó cho phép thiết kế nên những chính sách khả quan, thiết thực, chứ không phải những chính sách chung chung, với những mục tiêu mà ở đó sự thắng lợi hay thất bại đều diễn giải từa tựa nhau và cuối cùng là “sợi dây trách nhiệm càng rút càng dài”.

Thứ hai, nó cho thấy rằng, nhiều năm qua đã có một số tiền không nhỏ bị tiêu hao; giờ đây có cơ hội để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chuyển hóa nó thành nguồn lực phục vụ đắc lực công cuộc phát triển KT-XH.

Và, thứ ba, giờ đây chính sách đã có rồi (Nghị quyết 19), việc có tiết kiệm, chuyển hóa những sự lãng phí thành nguồn lực phát triển được hay không, tùy thuộc hoàn toàn vào đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là những người thường xuyên giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, cũng đồng thời là những người trực tiếp đưa chính sách vào cuộc sống.

Sinh thời, Bác Hồ đã có lời căn dặn, rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Hẳn cán bộ, công chức nào cũng đã nghe điều này, và phần lớn họ cũng ra sức phấn đấu thực hiện lời Bác dạy. Ấy thế, phải thừa nhận thực tế rằng, đâu đó, một bộ phận vẫn chưa có điều kiện hoặc còn lúng túng chưa vận dụng lời dạy ấy vào công việc hằng ngày, gây nên bao sự tốn kém và nỗi than trách của nhân dân.

Giờ đây, với sự tiến bộ vượt bậc về trình độ quản lý, mọi sự đã rõ ràng, có thể định lượng được, cán bộ, công chức biết rõ hơn việc làm của mình đem đến cái lợi, cái hại thế nào đối với người dân, đất nước và chế độ. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đây là cơ hội tốt để họ khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình. Tất nhiên, khi tất cả đều rõ ràng, thì mọi sự đóng góp, theo cách này hay cách khác, không sớm thì muộn, luôn được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.

Thường Dân