Nghi vấn Làm giả văn bản của ngân hàng để lừa đảo tiền tỷ
Theo trình bày của anh Trần Hoàng Anh (1991, trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) gửi cơ quan Công an: Cuối tháng 5-2020, anh quen với Nguyễn Đăng Duy (trú P. Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội) và liên lạc trao đổi việc hợp tác đầu tư điện năng lượng mặt trời. Duy đưa ý định làm điện năng lượng mặt trời tại 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát (Bình Định) và nói anh Anh góp vốn làm chung. Do tin tưởng Duy vì người này minh chứng hiện tại có nhiều nguốn vốn tài trợ từ các quỹ nước ngoài thông qua quản lý từ các ngân hàng Việt Nam nên anh Anh có ý muốn tham gia hợp tác.
“Lúc đó Duy bảo có Công ty CP tư vấn đầu tư Năng Lượng Green; địa chỉ tại P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Bà Phạm Thị Thanh Lụa đứng đại diện pháp luật. Tôi yêu cầu Duy gửi văn bản chứng minh có nguồn tài trợ thì Duy cho gửi cho tôi một văn bản thông báo từ ngân hàng Sacombank phát hành, có số 356/2020/TB ngày 31/08/2020. Nội dung thông báo ghi rõ số tiền tài trợ cho dự án Duy đang làm là 4 triệu USD nên tôi đã tin tưởng, chuyển vào tài khoản cá nhân Nguyễn Đăng Duy (19032956287014, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, gọi tắt: Techcombank) tổng cộng 1 tỷ 981 triệu đồng”, anh Anh kể.
Cũng theo anh Anh, ngoài tiền chuyển khoản, Duy còn kê ra một số “hạng mục công việc” để anh Anh chi ra tiền mặt theo đề nghị của Duy, gồm: Tiền san lấp mặt bằng 100 triệu đồng; tiền trả cọc thuê đất 150 triệu đồng; tiền làm thủ tục hồ sơ dự án 250 triệu đồng; tiền chi phí ăn ở, đi lại, tiếp khách 200 triệu đồng; tiền gửi cho anh Hòa (bạn của Duy 100 triệu đồng. Như vậy theo anh Anh, tổng số tiền mà Duy lừa đảo lên tới gần 2,8 tỷ đồng.
“Do tôi quá tin tưởng nên mọi hoạt động thực hiện qua điện thoại và tin nhắn mà không làm hợp đồng góp vốn đầu tư. Sau khi đến hạn theo thời gian các dự án điện năng lượng mặt trời phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020 của Quyết định Chính Phủ số 13/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 06-4-2020, dự án của Duy không thể đưa vào hoạt động và Duy cũng không thông báo và giải thích cho tôi nguyên nhân lý do gì mà dự án không thể kịp tiến độ, trong khi tất cả yêu cầu, đề nghị mà Duy đưa ra tôi đều thực hiện đúng và đủ”, anh Anh nói.
Do hơn 1 năm liên lạc với Duy để đòi lại tiền nhưng anh ta viện ra nhiều lý do để từ chối nên anh Anh nghi ngờ bị lừa đảo. Do đó, anh Anh đi xác minh về văn bản thông báo số 356/2020/TB ngày 31/08/2020 của ngân hàng Sacombank mà Duy đã gửi cho tôi thì đại diện Ngân hàng Sacombank tại Đà Nẵng nghi ngờ là giả mạo. Mới đây, anh Anh đã làm đơn tố cáo sự việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Bình Định.
Để làm rõ vụ việc, phóng viên chuyên đề Công an Đà Nẵng đã liên lạc với Hội sở Ngân hàng Sacombank tại TP Hồ Chí Minh (địa chỉ thể hiện là nơi làm việc của người ký, đóng dấu trong tờ thông báo mà Duy gửi cho anh Anh) để xác nhận thì đại diện hội sở ngân hàng khẳng định: Tờ văn bản hoàn toàn là giả mạo. Đại diện ngân hàng này cho hay, văn bản mà bị hại cung cấp cho phóng viên, bên ngân hàng không có “Phòng QTDN & FDI” như trong văn bản thể hiện và cũng chưa từng ban hành thông báo nào liên quan đến sự việc như văn bản nêu. Trong khi đó, bản thân người ký cũng không đảm nhiệm chức danh như văn bản đề cập và nhân sự này cũng đã dừng hợp đồng lao động ở Sacombank cách đây rất lâu, trước ngày ghi trên văn bản nói trên.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin có hay không Nguyễn Đăng Duy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức?
Công Hạnh