Nghĩa cử của một cựu binh Mỹ
(Cadn.com.vn) - Khi thấy gánh nặng gia đình oằn nặng lên vai chị Trần Thị Hoa (trú tổ 11, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), ông Larry Vetter, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam trước 1974 - đã quyết định thuê nhà để đón hai đứa con bị di chứng chất độc da cam của chị Hoa về tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng. Với lương hưu, trợ cấp của một cựu chiến binh bị phơi nhiễm dioxin, ông muốn làm những điều tốt nhất có thể cho hai đứa con nuôi mà ông cảm thấy mình nợ chúng.
Larry luôn luôn tận tình chăm sóc và mang đến nụ cười cho Toàn và Nghĩa. |
Người Đà Nẵng, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam đều quen với cái tên Larry Vetter, bởi ông luôn có mặt trong các chương trình từ thiện, xã hội kêu gọi sự giúp đỡ, cải thiện cuộc sống cho nạn nhân bị nhiễm dioxin. Như rất nhiều cựu binh đã từng tham gia tại các chiến trường Việt Nam, ông hiểu được hậu quả đau đớn mà chất độc hủy diệt này để lại cho đến hôm nay. Lần đầu trở lại Việt Nam vào năm 1982, ông đã cố đi tìm một người con gái bị thương ở dưới miệng hầm, khi mà đại đội của ông hành quân qua một vùng quê của Quảng Nam. Cô ấy bị thương vì bom đạn nhưng không hề tỏ ra đau đớn hay e sợ trước những trận càn.
Ông không tìm được chị, nhưng cuối cùng ông nhận ra rằng, phụ nữ Việt Nam, ánh mắt người nào cũng dịu hiền nhưng rất ngoan cường. Lần thứ hai, ông trở lại Đà Nẵng và cũng gặp được một người phụ nữ như muôn người phụ nữ khác của Việt Nam mà ông biết. Đó là chị Trần Thị Hoa. Chồng chị Hoa là anh La Thành Cang, đã từng chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt ở miền Nam Việt Nam. Bị nhiễm chất độc da cam, những đứa con gái của anh chị sinh ra bình thường nhưng hai cậu con trai là La Thành Toàn và La Thành Nghĩa thì quặt quẹo và thường xuyên sống trong đau đớn. Cảm phục trước sự chịu đựng gian khổ để nuôi chồng và hai đứa con bệnh tật của chị Hoa, ông đã cùng cô con gái của mình là Kristen từ Mỹ qua Hòa Hải sống chung với gia đình được xem là điển hình cho sự khốn khó do phải chịu di chứng của chiến tranh này.
Trong một thời gian dài, hàng ngày ông và con gái phụ giúp chị Hoa mọi chuyện trong gia đình và tiến hành các phương pháp xoa bóp để phục hồi chức năng cho Toàn và Nghĩa. Chị Hoa vì thế cũng được rảnh tay để buôn thúng bán bưng, chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình. Thấy chị Hoa phải đi buôn bán bằng xe đạp, Larry dành lương hưu mua tặng chị một chiếc xe máy. Thấy căn bếp của gia đình quá tuềnh toàng, ông tặng chị tiền để sửa chữa, mua một cái tủ lạnh đặt vào đó để có thức ăn đảm bảo vệ sinh cho Toàn và Nghĩa. "Không có một mối quan hệ nào, nhưng ông ấy đã đến với gia đình tôi và chia sẻ những khó khăn, nhận làm bạn với vợ chồng tôi, làm cha nuôi của hai đứa con bệnh tật. Tôi có vượt qua mọi khó khăn để sống với chồng và con, để không bó tay trong đói nghèo thì một phần là cũng nhờ sự tiếp sức của ông ấy", chị Hoa cảm động.
Ngoài căn phòng tiện nghi, Larry Vetter vừa sắm cho hai anh em một chiếc tivi cỡ lớn để xem World Cup. |
Khi thấy căn nhà ở P. Hòa Hải quá chật chội cho sinh hoạt, khó khăn cho việc chăm sóc sức khỏe của Toàn và Nghĩa, ông đã xin vợ chồng chị Hoa cho hai cháu cùng ông đến ở tại một ngôi nhà tiện nghi hơn. Đó là một ngôi nhà có mặt nhìn ra bờ sông ở P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ. Ông làm việc ở tầng 2, hai đứa con nuôi sinh hoạt, học tập và phục hồi chức năng ở tầng 3. Hàng ngày ông đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho Toàn và Nghĩa, rồi ngồi tâm sự, xoa bóp cho chúng đỡ những cơn đau. Mỗi buổi sáng và buổi chiều mát mẻ, ông đưa hai anh em xuống vườn hoặc ra ngõ chơi. Rảnh rỗi hơn thì ông điện cho chị Hoa đến, rồi bắt taxi đưa Toàn và Nghĩa đi chơi công viên, đi ngắm biển - những nơi mà từ trước tới nay hai em chưa bao giờ được tới. Dù bệnh tật nhưng hai đứa con chị Hoa lại rất thích bóng đá, chúng háo hức chờ ngày khai mạc World Cup 2014.
"Tôi muốn có người giúp tôi mua cho chúng một chiếc xe". Đó là mong ước hiện tại của ông Larry Vetter. Theo ông, để hai anh em Toàn - Nghĩa có thể thường xuyên ra ngoài, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng thì phải có người chở chúng đi trên một chiếc xe làm riêng cho chúng. "Chiếc xe đó phải chở được 2 đứa, phải chở thêm được chiếc xe lăn. Tôi nghĩ nếu người ta làm thì có thể hết khoảng 10 hoặc 15 triệu gì đó. Tôi muốn chia sẻ điều này với ai thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ các em. Để chúng có cuộc sống tốt hơn nữa", Larry chia sẻ. |
Biết được chuyện này, Larry đã lặng lẽ đi siêu thị mua một chiếc tivi LCD cỡ lớn về đặt ngay trong phòng ngủ của hai đứa con nuôi. Toàn và Nghĩa mừng phát khóc. Theo Larry, cả lương hưu và trợ cấp hàng tháng của ông khoảng 5.000USD, con số đó so với cuộc sống ở Mỹ là không lớn. "Tôi đóng tiền bảo hiểm, tiền nhà và các khoản khác. Tiếp đó là dành một khoản giúp đỡ cô con gái Kristen trong chuyện học hành. Tại Đà Nẵng, tôi thuê căn nhà với giá 700USD một tháng, còn lại dành cho các khoản sinh hoạt phí và chăm sóc bữa ăn, thuốc men cho Toàn và Nghĩa. Tôi còn phải điều trị cột sống và những di chứng do dioxin để lại, mặc dù đã cắt bỏ một khối u. Chính vì vậy, tôi không còn tiền để dành", Larry Vetter nói.
Hiện ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ toàn diện cho Toàn và Nghĩa, ông cũng đang xúc tiến thành lập và quản trị một website nói về chất độc da cam để có thể đưa những thông tin tai nghe, mắt thấy về hậu quả của thứ chất độc hủy diệt này tại Việt Nam đến với các nước, đặc biệt là dư luận Mỹ. Ông trực tiếp kêu gọi bạn bè, cựu chiến binh cùng thời và các tổ chức có thể chung tay giúp đỡ các nạn nhân. Theo ông, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng như một số tỉnh thành đều có trang web của mình, nhưng chủ yếu là bằng tiếng Việt. Điều này khiến dư luận quốc tế rất khó tiếp cận và nắm bắt thông tin. Ông muốn dùng kiến thức mình có và ngôn ngữ phổ biến của toàn cầu là tiếng Anh để phổ biến thông tin một cách rộng rãi hơn.
Công Khanh