Nghĩa thục An Phước còn mãi với thời gian

Thứ hai, 18/06/2018 17:21

Sáng 16-6, UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập Trường Tiểu học An Phước và 10 năm trường được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp TP. Đây là ngôi trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên mang tính nghĩa thục của phong trào Duy Tân để thực hiện nền giáo dục “của dân, do dân, vì dân” và “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho Trường Tiểu học An Phước.

Tiền thân Trường Tiểu học An Phước là lớp học của làng Cẩm Toại (nay thuộc xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) bằng tranh tre do cụ Lâm Hữu Mẫn, một nhà Nho yêu nước lập ra năm 1888 để dạy chữ Nho không lấy tiền cho con em trong làng. Đến năm 1904, con trai của cụ là Lâm Quang Tự thay cha quản lý lớp học. Năm 1908, hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng, Trường Cẩm Toại chuyển việc dạy chữ Nho sang dạy chữ quốc ngữ và tiến hành dạy theo tân học. Học sinh đi học miễn phí và là ngôi trường đầu tiên nhận học sinh nữ. Trường thường phát phần thưởng cho các học sinh giỏi hay những người có công đưa người khác vào học, cấp sách vở cho học sinh nghèo...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù bom đạn ác liệt, địch càn quét đi, quét lại nhiều lần nhưng trường An Phước vẫn mở cửa dạy học, ngoại trừ một số năm chuyển tiếp không ổn định, các giáo viên tâm huyết vẫn kiên trì bám trường, bám lớp dạy học sinh trong hoàn cảnh bị địch o ép trăm bề. Lớp lớp thầy cô giáo và học sinh trưởng thành lần lượt lên đường tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng. Kết thúc chiến tranh, Hòa Vang có hơn 400 liệt sĩ là giáo viên và học sinh của trường. Không chỉ anh dũng trong đấu tranh, trường còn là điểm tựa để nâng bước cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, trong đó có hơn 100 cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang; hơn 20 giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà giáo ưu tú nổi tiếng trong và ngoài nước... Vì vậy, tên tuổi của trường đã thực sự đi vào tâm thức của mỗi người dân và còn mãi với thời gian.

Nối tiếp sự nghiệp giáo dục vẻ vang của các bậc tiền bối, tinh thần hiếu học yêu nước của các bậc cha anh, sau ngày đất nước thống nhất, Trường Tiểu học An Phước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và không ngừng vươn lên trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục của huyện, TP. Năm 1994, được sự giúp đỡ của các ngành, các tổ chức từ thiện, trường An Phước trở thành một trong những ngôi trường đầu tiên trong cả nước mở lớp dạy trẻ em khuyết tật chuyên biệt... Hiện nay, khuôn viên của trường có thể coi là hình mẫu của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đầu tư có chất lượng và mang lại hiệu quả, không gian cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Cách bố trí, sắp xếp các hoạt động giáo dục, phục vụ sinh hoạt cho giáo viên, học sinh rất khoa học, hợp lý. Trong nhiều năm liền, trường luôn giữ vững danh hiệu “Tiên tiến xuất sắc”... Để tôn vinh ngôi trường có bề dày truyền thống này, UBND TP cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng trường với quy mô 3 tầng, tổng kinh phí xây dựng cả hai giai đoạn dự kiến 80 tỷ đồng... Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết: “Hơn 1 thế kỷ đi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hầu như tất cả nghĩa thục trong cả nước đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình, chỉ riêng nghĩa thục An Phước vẫn còn mãi với thời gian và phát triển cho đến ngày nay. Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn huyện luôn tin tưởng và mong đợi ở Trường Tiểu học An Phước thời gian đến có thêm những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng với bề dày truyền thống của trường; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Dịp này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho nhà trường; Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân; lãnh đạo huyện tặng bức trướng với nội dung “Nghĩa thục An Phước hiếu học-yêu nước-phát triển”...

Có thể nói, từ đốm lửa nhỏ được nhen nhóm từ lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, ngọn lửa An Phước đã bùng cháy suốt 110 năm qua, bất chấp mọi cơn nguy biến của thời cuộc. Niềm tự hào của người dân tổng An Phước xưa, nay sẽ được thầy và trò Trường Tiểu học An Phước giữ vững và tiếp tục phát huy.

VY HẬU