Nghĩa tình hai miền xuôi - ngược

Thứ tư, 09/02/2022 15:28

Truyền thống gắn bó keo sơn 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của những người con đất Việt. Dù định cư ở đâu, dù ở miền xuôi hay miền ngược, ở bất kỳ hoàn cảnh nào nhưng mỗi khi gặp khó khăn họ lại nhường cơm, xẻ áo cho nhau. Và, cũng không nằm ngoài hoàn cảnh đó những người dân ở hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn hướng về, giúp đỡ như những người ruột thịt, cùng nhau bước qua cơn hoạn nạn.

Người dân lên rẫy hái rau, quả hỗ trợ người dân Đà Nẵng.

Còn nhớ, những năm trước đây khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra người dân Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang hoặc đồng bào người Kor, Mơ Nông, Xơ Đăng ở các huyện Nam, Bắc Trà My, Phước Sơn gặp thiên tai, bão lũ… tất cả người dân Đà Nẵng, từ tiểu thương các chợ đến từng người lao động tự động quyên góp tiền mặt, áo quần, thực phẩm… Hoặc mỗi dịp năm học mới bắt đầu cũng là lúc những đợt không khí lạnh từ phương Bắc tràn về, những manh áo mỏng manh, chiếc chăn đơn không làm các em đủ ấm khi mưa lạnh, gió lùa. Thế là, những người con ở vùng xuôi lại có mặt để san sẻ, giúp những đứa trẻ yêu con chữ nơi vùng cao xa xôi vượt qua cái giá rét miền biên viễn. Còn nhiều, nhiều nữa những nghĩa cử cao đẹp mà chúng tôi đã ghi nhận ở mỗi vùng đất đã đi qua. Từ sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm những ngôi nhà tình thương, đại đoàn kết thay cho những ngôi nhà với mái lá đơn sơ, nghiêng ngả theo từng cơn gió. Và, những lúc Tết đến, Xuân về những món quà xuân dung dị được gửi đến đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Quảng Nam đang gặp khó khăn, giúp họ có được một cái Tết vui vẻ, đầm ấm đã thể hiện “tình nhân ái, nghĩa đồng bào” đùm bọc nhau lúc khó khăn của những người con nơi hai miền xuôi-ngược. Đặc biệt, trong năm 2020 người dân 3 xã Trà Leng (H. Nam Trà My), Phước Thành, Phước Lộc (H. Phước Sơn, Quảng Nam) chịu thiệt hại nặng do bão lũ gây ra cũng là lúc chúng ta được chứng kiến sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng trên mảnh đất hình chữ S. Mỗi chiếc áo, dăm gói mì tôm… chẳng đáng là bao nhưng đã gói trọn sự ấm áp của tình người, sức mạnh về tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt. Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My, cho biết: Năm 2020 là năm kinh hoàng với người dân xã Trà Leng nói riêng và người dân H. Nam Trà My nói chung. Trong cơn hoạn nạn đó, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm cùng chính quyền các địa phương, như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… người dân Nam Trà My sẽ khó vượt qua khó khăn, xây dựng lại cuộc sống… 

Và, được vận chuyển, phân phát tận tay cho người dân gặp khó khăn tại TP Đà Nẵng.

Năm 2021, điều không mong đợi đã đến với người dân Đà Nẵng khi lần thứ 4 đại dịch COVID-19 quay trở lại. Cả thành phố phải thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch. Mọi người dân cùng thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy”, hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động, hàng chục ngàn công nhân không có công ăn việc làm cũng đồng nghĩa với hàng trăm ngàn người lao động rơi vào hoàn cảnh mất thu nhập… Dù đã nỗ lực cung ứng đầy đủ lương thực, các mặt hàng thiết yếu song cuộc sống người dân vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn. Trong những giờ phút khó khăn đó, ngoài tinh thần tự thân “san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, người dân Đà Nẵng cần lắm sự chung tay của chính quyền và nhân dân các tỉnh bạn. Và, lúc này những người đồng bào dân tộc Cơ Tu, Mơ Nông, Xơ Đăng… ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn… đã “lên tiếng”. Những món “quà quê”, như: gạo, búp măng rừng, buồng chuối, quả bí, quả bầu được người dân mang đến nhờ các đoàn thể, chính quyền vận chuyển về xuôi. Ngoài việc đóng gói, sắp xếp cẩn thận, bên ngoài còn dán dòng chữ “mong Đà Nẵng sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” như lời động viên, tiếp sức mà người dân miền núi Quảng Nam muốn gửi đến người anh em miền xuôi - Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam H. Phước Sơn, cho biết: đầu tháng 8, người dân Phước Sơn đã đóng góp hơn 13 tấn nông sản gửi vào hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngay khi MTTQ huyện tiếp tục phát động đợt đóng góp nông sản cho Đà Nẵng dù từng hộ dân còn khó khăn nhưng với tinh thần tương thân tương ái, mọi người chung tay, hơn 8 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân TP Đà Nẵng. Không chỉ riêng huyện miền núi cao Phước Sơn, những ngày qua, đồng bào các dân tộc Mơ Nông, Ca Dong, Xơ Đăng huyện miền núi cao Nam Trà My cũng đóng góp gần 12 tấn nông sản hỗ trợ người dân vùng phong tỏa Đà Nẵng. Người dân Cơ Tu huyện miền núi cao biên giới Tây Giang, Nam Giang hỗ trợ hơn 20 tấn nông sản cùng hàng tấn thịt heo và hàng ngàn ống cơm lam. Trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2021 những chuyến xe vận chuyển nông sản từ các huyện miền núi Quảng Nam vẫn không ngừng lăn bánh về Đà Nẵng. Những quả bí, bó rau được chính đôi bàn tay người dân Quảng Nam vun trồng chẳng đáng là bao nhưng trong lúc này lại chất chứa bao nhiêu ân tình, tiếp sức người dân Đà Nẵng sớm vượt qua đại dịch. Ông Nguyễn Thế Phong, trú Phước Mỹ, H. Phước Sơn, cho biết: khi nghe tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, ông cùng thanh niên trong xóm tranh thủ tát 3 ao cá, khẩn trương sấy khô để mang hơn 50 kg cá lóc khô gửi ra tặng bà con Đà Nẵng và cầu mong họ luôn khỏe mạnh, Đà Nẵng nhanh chóng hết COVID-19 để mọi thứ trở lại như xưa… Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam: sau 24 năm, Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính nhưng sợi dây nghĩa tình luôn bền chặt. Bất cứ khi nào người dân Quảng Nam gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thì Đà Nẵng luôn là địa phương đầu tiên sát cánh, sẻ chia và Đà Nẵng cần hỗ trợ người dân Quảng Nam lại… sẵn sàng. Dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn phát huy nghĩa tình đó.

Thật vậy, trên danh nghĩa là hai đơn vị hành chính song trong sâu thẳm của lòng mình người dân Quảng Nam (nhất là đồng bào các huyện miền núi) bao giờ cũng có hình bóng của Đà Nẵng và ngược lại. Tình cảm ấy được xây đắp từ muôn đời nay và chẳng bao giờ xa cách như sự kết hợp hài hòa làm nên món ăn dân dã được truyền tụng qua câu ca “Ai về nhắn với bạn nguồn; Mít non gửi xuống, cá Chuồn gửi lên”.

MINH TRÍ