Nghịch lý sống trên cát phải đi... “trộm cát”

Thứ ba, 03/11/2015 09:57

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, CAH Thăng Bình (Quảng Nam) liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ khai thác cát trái phép tại các xã vùng đông, như: Bình Sa, Bình Giang, Bình Triều... Điều đáng nói là trong số những đối tượng bị xử lý về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đa số là người dân địa phương, có cuộc sống gắn liền với... cát.

Sống cùng mênh mông cát trắng nhưng người dân không được khai thác làm VLXD.

Tại sao có chuyện người dân đang sống, canh tác trên cát nhưng khi sử dụng cát để phục vụ các mục đích dân sinh, như: xây dựng nhà ở, công trình phụ... vẫn bị các cơ quan chức năng xử lý? Ông N.T (trú xã Bình Sa, H. Thăng Bình), trình bày: Nhiều đời nay, gia đình tôi sống tại xứ cát này nhưng nay lấy một ít cát để xây nhà lại bị cấm. Không hiểu lý do gì bị các cơ quan chức năng không cho lấy cát? Tương tự, bà H.T.K (trú xã Bình Dương, H. Thăng Bình), bức xúc: Gia đình nghèo khó, dành dụm mãi mới được ít tiền xây gian bếp và nơi chăn nuôi để cải thiện đời sống. Ai ngờ, khi thuê người xúc ít cát từ bờ bao sau vườn đã bị cán bộ xã đến yêu cầu dừng lại, nếu không sẽ bị xử phạt. Cũng theo nhiều người dân ở các xã vùng cát H. Thăng Bình, việc các cơ quan chức năng cấp xã, huyện cấm không cho người dân sử dụng cát vào mục đích xây dựng các công trình phục vụ đời sống là không phù hợp với thực tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc người dân đang sống tại địa phương có nhu cầu sử dụng cát, tại Thăng Bình đang diễn ra tình trạng khai thác trộm cát trắng đưa đi bán. Trung tá Hồ Thanh Long- Đội trưởng Đội CSĐTTP về Kinh tế và Chức vụ CAH Thăng Bình, cho biết: Trong năm 2015, CAH đã bắt, xử lý hơn 20 vụ khai thác cát trái phép. Các đối tượng đều là người địa phương, có nhu cầu sử dụng cát cho gia đình, một số ít có mục đích bán cho người khác. Tuy nhiên, càng về cuối năm số lượng người tham gia khai thác, vận chuyển cát trái phép có chiều hướng tăng lên vì nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà đang tăng lên. Nguyên nhân dẫn đến việc người dân đang sinh sống cùng với cát nhưng khi sử dụng cát tại địa phương vẫn bị xử lý về hành vi khai thác trái phép là do chính quyền cấp huyện không có chức năng quy hoạch, cấp giấy phép khai thác các mỏ cát sử dụng làm vật liệu xây dựng. Một cán bộ xã Bình Sa, trao đổi: Dân chúng tôi từ muôn đời nay sống chung với cát song bất cứ ai làm nhà, xây bếp... đều phải đi... trộm cát. Nhiều người không muốn mang tiếng là kẻ trộm nên làm đơn lên UBND xã, huyện xin khai thác cát nhưng cấp xã, huyện không có thẩm quyền, vì thế họ bất đắc dĩ trở thành... kẻ trộm.

Một xe tải khai thác trái phép cát trắng tại xã Bình Phục. (Ảnh chụp lúc 15 giờ, ngày 26-10-2015)

Ngày 26-10-2015, đem nỗi bức xúc của người dân trao đổi cùng ông Trần Toản, Trưởng phòng TN&MT H. Thăng Bình, ông Toản thừa nhận thực tế đúng như người dân phản ánh và cho biết: Hiện tại toàn huyện chỉ có 1 đơn vị là Công ty CP Khoáng sản Quảng Nam được Nhà nước cấp giấy phép khai thác 63 ha đất cát tại xã Bình Phục nhưng đơn vị này không bán cát xây dựng cho người dân tại địa phương. Ngoài ra, tại Thăng Bình có hàng ngàn héc-ta đất cát có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu xây dựng đang được chính quyền địa phương quản lý. Hiện tại, huyện đã lập bản đồ quy hoạch và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho phép thăm dò, khai thác tại 39 điểm song tất cả đều chưa có giấy phép nên không thể khai thác.

Căn cứ vào những quy định tại Điều 18, Luật Khoáng sản sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì UBND cấp huyện chỉ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương; chỉ đạo UBND xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể tổ chức ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Cũng theo ông Toản, để có được một giấy phép khai thác khoáng sản phải trải qua một thời gian dài, đầy gian khổ để “có” khoảng 200 chữ ký từ chính quyền cơ sở đến cấp Trung ương. Khó khăn như vậy nên các doanh nghiệp đều... ngại. Từ thực tế này, khi xây dựng công trình, đa số người dân Thăng Bình đều tự biến mình thành... “kẻ trộm”.

Như vậy, chỉ vì cơ chế quản lý khoáng sản, vì những thủ tục rườm rà... đã ảnh hưởng đến quá trình xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Cũng chính điều đó làm cho nhiều hộ dân ở Thăng Bình có nhu cầu sử dụng cát vào mục đích chính đáng nhưng không được phép khai thác. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần có những cải cách trong vấn đề quản lý, hạn chế những thủ tục để người dân bớt khổ.

M.T