Nghiêm cấm các điểm kinh doanh thanh toán bằng ngoại tệ
(Cadn.com.vn) - Gần đây, du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng tăng mạnh và đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ của Việt Nam và gây bất bình dư luận như đốt tiền Việt Nam, sử dụng tiền Nhân dân tệ thanh toán khi mua sắm trên địa bàn thành phố... Trước thực trạng này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, kiểm tra xử lý tình trạng này.
Ông Võ Minh |
PV: Thưa ông, gần đây Đà Nẵng rộ lên những chuyện khách du lịch Trung Quốc đốt tiền Việt và chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ khi mua hàng tại các cửa hàng, chợ Đà Nẵng. Vậy, là đơn vị quản lý việc thanh toán bằng ngoại tệ trên địa bàn, NHNN Đà Nẵng đã vào cuộc để chấn chỉnh chưa?
Ông Võ Minh: Thực ra, quản lý thị trường ngoại tệ trên địa bàn thành phố như hoạt động mua bán, trao đổi ngoại tệ, thanh toán ngoại tệ, là việc làm thường xuyên của NHNN. Trong một thời gian dài tình hình mua bán, trao đổi ngoại tệ tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình trạng này lại xuất hiện. NHNN đã làm văn bản đề xuất lãnh đạo thành phố thành lập đoàn liên ngành gồm NHNN, CATP, Quản lý thị trường tiến hành thanh, kiểm tra toàn bộ các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng, trung tâm mua sắm, chợ trên địa bàn thành phố để có biện pháp chấn chỉnh, xử phạt và răn đe kịp thời.
PV: Trong những ngày qua, một số tiểu thương trên địa bàn thành phố treo bảng không thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Vậy ông đánh giá như thế nào về tiểu thương Đà Nẵng nói không với việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ?
Ông Võ Minh: Tiểu thương các chợ Đà Nẵng đã có cách hành xử đúng quy định của pháp luật. Họ không vì lợi nhuận, không “hám” đồng lời mà “nhắm mắt” làm tất cả. Nói không với Nhân dân tệ trong giao dịch buôn bán bình thường, là sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật của tiểu thương các chợ Đà Nẵng. Sự hiểu biết trong giao dịch với khách du lịch Trung Quốc nói riêng, du khách quốc tế nói chung. Ứng xử như thế thật đáng hoan nghênh. Đây hoàn toàn không phải là sự “bài xích” hoặc gây khó dễ mà là các tiểu thương đã hiểu Nghị định xử phạt rất nặng của Chính phủ về việc chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ.
Có thể khẳng định, đây là việc làm vừa đề cao tinh thần yêu nước vừa tiện cho du khách trong việc giao dịch và là một việc làm rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố, đặc biệt là các điểm du lịch… Qua đây, tôi cũng lưu ý các cửa hàng dịch vụ thương mại ở thành phố Đà Nẵng phải chấp hành nghiêm việc không thanh toán bằng ngoại tệ, trong đó có Nhân dân tệ. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra để xử lý.
Một cửa hàng trên đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, trưng bảng thông báo không thanh toán bằng Nhân dân tệ. |
PV: Cụ thể mức xử phạt như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Minh: Theo quy định về hoạt động ngoại hối của Nhà nước Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được phép giao dịch tiền Việt Nam đồng, không được phép sử dụng bất kỳ loại ngoại tệ nào khác. Một số trường hợp được phép thu mua ngoại tệ phải tuân thủ luật pháp rất chặt chẽ và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Đối với hoạt động kinh doanh, thu đổi ngoại hối trên địa bàn thành phố thì phải có giấy phép của NHNN Chi nhánh Đà Nẵng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố ngoài các ngân hàng thương mại được phép thu đổi ngoại tệ, thì có thêm 8 đại lý thu đổi ngoại tệ sang Việt Nam đồng được cấp phép nhằm phục vụ nhu cầu của du khách tại các khu du lịch, trung tâm thương mại gồm: Cty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (68-Hồ Xuân Hương), Cty CP Du lịch Bến Thành - Non Nước (255 - Huyền Trân Công Chúa), Cty TNHH Du lịch & Giải trí Silver Shores Hoàng Đạt (lô số 8, đường Trường Sa); khách sạn Hoàng Trà (đường Trường Sa), Cty CP Du lịch Việt Nam -Vitours (khách sạn Bamboo Green, 158 - Phan Châu Trinh), Cty TNHH MTV KS Green Plaza Đà Nẵng (223 - Trần Phú), Cty CP Du lịch Phương Đông Việt (97 - Phan Châu Trinh) và Trung tâm Big C (Khu thương mại Vĩnh Trung, số 255-Hùng Vương).
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có hiện tượng người dân của chúng ta chấp nhận các loại ngoại tệ khác, trong đó có Nhân dân tệ để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ ở trong đời sống hoàn toàn sai so với quy định của Nhà nước. Cụ thể, Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân nào mua, bán, trao đổi ngoại tệ tại các tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng và phạt từ 200 đến 250 triệu đồng đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật... Riêng đối với hành vi hủy hoại tiền thì Nghị định 130 của Chính phủ đã quy định rõ là nghiêm cấm hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Với việc du khách người Trung Quốc có hành vi đốt tiền Việt Nam đồng vừa qua, thì hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xuân Đương
(Thực hiện)