Nghiên cứu các giải pháp nhằm quản lý tổng thể và bền vững cho chất thải rắn xây dựng

Thứ hai, 27/06/2022 20:22
Tại hội thảo lần 2 về quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng do Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng phối hợp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030, đồng thời hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn xây dựng phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đề ra. 
Lễ ký kết hợp tác kỹ thuật giữa Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Saitama (Nhật Bản).
Lễ ký kết hợp tác kỹ thuật giữa Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Saitama (Nhật Bản).

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Tại Đà Nẵng, lượng chất thải rắn xây dựng (sau đây viết tắt là CTRXD) phát sinh với khối lượng từ 1.500 – 2.500 tấn/ ngày, gây nên sự khó khăn trong công tác quản lý, vệ sinh môi trường tại thành phố. Việc đổ CTRXD bừa bãi khắp mọi nơi, hiện vẫn chưa có nơi thâu gom tập trung gây nên sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở khu vực có CTRXD tập kết. Mặc dù thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp như: gắn bản tuyên truyền, lắp đặt các camera giám sát và xử phạt các trường hợp đổ rác không đúng nơi qui định, tuy nhiên tình trạng đổ trộm CTRXD bừa bãi ở nhiều nơi vẫn không thuyên giảm.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố cho hay: Báo cáo môi trường quốc gia 2017 về Quản lý chất thải và năm 2019 về Chất thải rắn sinh hoạt, lượng CTRXD tại các đô thị lớn (trong đó có Đà Nẵng) chiếm từ 15%-25% tổng lượng CTR đô thị phát sinh. Tuy nhiên, giải pháp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam nói chung, tại Đà Nẵng nói riêng là CTRXD phát sinh phần lớn đổ thải tại các bãi tập kết, lô đất trống hoặc được đổ tại các bãi chôn lấp. Trong khi các thành phần chính từ CTRXD (đất, gạch, bê tông,..) có thể được tái chế, tái sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế trong xây dựng, nhờ đó trực tiếp giảm thiểu lượng CTRXD phải chôn lấp.

Để tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thiện hệ thống quản lý CTRXD phù hợp với thực tiễn cũng như mục tiêu đề ra, UBND thành phố đã cho phép Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo lần 2 này với mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong quản lý và tái chế CTRXD; sự trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị để xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể. Theo đó nhiều giải pháp đã được các thành viên của nhóm nghiên cứu Dự án Satreps đưa ra như: Đề xuất các giải pháp quản lý tổng thể và bền vững cho CTRXD tại Đà Nẵng của TS. Hoàng Minh Giang, Trường ĐHXD Hà Nội hay tham luận Giới thiệu Hướng dẫn phân loại CTRXD tại nguồn và dự thảo về cấp phối vật liệu tái chế từ CTRXD làm lớp móng đường giao thông của PGS Nguyễn Hoàng Giang, Đồng giám đốc Dự án Satreps; Dự án Satreps là dự án Thiết lập Hệ thống Quản lý phế thải xây dựng hiệu quả, nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam. Dự án được triển khai từ năm 2018 với sự hợp tác giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Saitama (Nhật Bản).

Phát biểu tại hội thảo này, ông Lê Quang Nam- Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: TP hiện rất quan tâm đến vấn đề quản lý tổng thể và bền vững cho CTRXD. Thời gian đến, TP sẽ nghiên cứu, khảo sát các khu vực làm nơi tập trung các loại CTRXD. Với các loại CTRXD có chất lượng phù hợp sẽ là vật liệu cung cấp cho các công trình xây dựng trong việc san lấp làm nền… Đây sẽ là nguồn cung ứng vật liệu cần thiết cho các công trình xây dựng trên địa TP. Vì vậy, Phó Chủ tịch TP Lê Quang Nam mong muốn sự hợp tác hiệu quả giữa Sở Tài nguyên& Môi trường TP Đà Nẵng và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Saitama (Nhật Bản), các nhà khoa học… trong việc nghiên cứu và sử dụng lại các loại CTRXD nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như giảm thiểu việc đổ trộm bừa bãi khắp mọi nơi gây ảnh hưởng đến môi trường sống, công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương.

Dịp này Sở Tài nguyên& Môi trường Đà Nẵng, Trường Đại học xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Saitama (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật trong công tác quản lý và tái chế CTRXD tại thành phố Đà Nẵng.

Hồng Sơn